SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cần công khai các cơ sở vi phạm trong cuộc thanh tra chuyên đề

[26/11/2015 08:45]

Cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề năm 2015 đã ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và SHCN đối với HĐGS, phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, công tác thanh tra cần được tiến hành thường xuyên hơn nữa, đồng thời công khai các kết luận của thanh tra, nhất là các cơ sở vi phạm để xã hội, nhân dân biết và có thái độ tích cực, chủ động.

Kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm

Trước tình ngày càng xuất hiện những hành vi vi phạm pháp luật về TCĐLCL và Sở hữu công nghiệp (SHCN) trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng đóng gói sãn (HĐGS) gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, sức khỏe của người tiêu dùng, Bộ KH&CN đã quyết định triển khai Cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng trên phạm vi toàn quốc trong năm 2015 với nội dung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về TCĐLCL nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và SHCN đối với HĐGS.

Ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, đã có 2.867 cơ sở được thanh tra, tính trung bình mỗi địa phương thanh tra được xấp xỉ 46 cơ sở. Các địa phương tiến hành thanh tra được nhiều như Sơn La (295 cơ sở), Vĩnh Long (117 cơ sở), Thanh Hóa (87 cơ sở), Bà Rịa – Vũng Tàu (85 cơ sở), Kiên Giang (74 cơ sở), Đồng Tháp, Hà Nội (71 cơ sở), Lâm Đồng (70 cơ sở), Nghệ An (69 cơ sở).

Tổng số cơ sở bị xử phạt vi phạm hành chính là 556 cơ sở (chiếm 19,5% số cơ sở được thanh tra) với tổng số tiền phạt trên 1,7 tỷ đồng, truy thu số tiền thu lợi bất hợp pháp do gian lận về đo lường xấp xỉ 13 triệu đồng. Một số địa phương đã xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm như Nghệ An (xử phạt 33 cơ sở với số tiền 225,055 triệu đồng); Phú Yên (16 cơ sở với 195,1 triệu đồng), TP. Hồ Chí Minh (25 cơ sở vi phạm với số tiền 177 triệu đồng); Vĩnh Long (34 cơ sở với tổng số tiền 168,9 triệu đồng), Bình Phước (07 cơ sở với số tiền 89,7 triệu đồng); Đồng Nai (20 cơ sở với số tiền 64,072 triệu đồng), Lâm Đồng (25 cơ sở với tổng số tiền 63 triệu đồng), Kiên Giang (37 cơ sở với số tiền 58 triệu đồng).

Ngoài áp dụng hình thức xử phạt chính bằng tiền, cơ quan thanh tra đã áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các cơ sở vi phạm như buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về ghi nhãn trả lại nhà sản xuất; buộc tiêu hủy hàng hóa quá hạn sử dụng; buộc thu hồi và tái chế đối với hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; buộc định lượng lại hàng hóa trước lúc đưa vào lưu thông; buộc kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào sử dụng,…

Qua tổng hợp cho thấy, các nhóm hàng hóa có tỷ lệ vi phạm cao là rượu, bia nước giải khát, nước uống (25%); nông sản, sản phẩm từ nông sản (24 %); phân bón (23 %); sơn, bột bả tường (21%); các nhóm khác nhìn chung trong khoảng 20%.

Cần chế tài xử lý mạnh hơn với các cơ sở vi phạm

Chia sẻ về những hạn chế, ông Trần Minh Dũng cho biết, ở một số địa phương, việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về TCĐLCL và SHCN của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn chưa đầy đủ, tích cực. Một số địa phương có số lượng cơ sở được thanh tra quá ít, chưa thực sự kiên quyết trong việc xử lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, một số quy định, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành của các Bộ, ngành còn có sự không thống nhất gây khó khăn cho cơ quan thực thi; ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường của nhiều tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu kinh doanh HĐGS còn chưa nghiêm túc;...

Nguyên nhân của tình trạng trên do lực lượng thanh tra KH&CN mỏng, công tác thanh tra về TCĐLCL nói chung và đối với HĐGS nói riêng chưa được thực hiện thường xuyên, sự phối hợp của cơ quan quản lý tại một số địa phương chưa chặt chẽ, chủ động. Hoạt động kiểm tra nhà nước về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và SHCN còn yếu. Việc chỉ đạo triển khai cuộc thanh tra ở một số địa phương chưa quyết liệt, kinh phí cho hoạt động thanh tra hạn chế nên đoàn thanh tra không tiến hành lấy mẫu thử nghiệm, giám định chất lượng hàng hóa, do vậy nhiều hành vi vi phạm về chất lượng chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử phạt nghiêm minh.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các biện pháp xử phạt hành chính, Bộ KH&CN cần thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra và công khai các doanh nghiệp làm ăn gian dối để cảnh báo người dân và coi đây như một biện pháp “trừng phạt” đối với các doanh nghiệp làm ăn bất chính; có chế tài xử lý mạnh hơn, tăng mức xử phạt..., thậm chí cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những vi phạm nghiêm trọng về chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng; xem xét sửa đổi Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TCĐLCL và văn bản hướng dẫn;...

Cùng với đó, sở KH&CN các địa phương cần chỉ đạo Chi cục TCĐLCL hàng năm có kế hoạch kiểm tra về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch đối với HĐGS nhằm đảm bảo, quyền lợi của người tiêu dùng và công bằng xã hội. Đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt sự phối hợp giữa Sở KH&CN và Sở Y tế, Sở NN&PTNT, Sở Công Thương trong công tác thanh tra, kiểm tra về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và SHCN đối với HĐGS; UBND tỉnh/thành phố chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về KH&CN nói chung, về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và SHCN nói riêng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu kinh doanh trên địa bàn. 

Cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề năm 2015 đã đạt được mục tiêu ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về TCĐLCL, nhãn hàng hóa, mã số mã vạch và SHCN đối với HĐGS, phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, cuộc thanh tra đã đạt được mục tiêu nâng cao trách nhiệm và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với HĐGS. Thời gian tới, danh sách các cơ sở, sản phẩm HĐGS vi phạm nghiêm trọng như không đạt chất lượng, gian lận khối lượng, làm giả nhãn mác, không được kiểm định chất lượng,... sẽ được Thanh tra Bộ và các sở KH&CN tập hợp để sớm công bố công khai.

truyenthongkhoahoc.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ