Xoài Việt: Tiềm năng lớn tại thị trường Nhật Bản
Cùng với thanh long ruột trắng, xoài là sản phẩm thứ hai của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - vốn được đánh giá là thị trường khó tính mở ra cơ hội mới cho hàng trái cây tươi của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.
Giống xoài trồng tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai được các
doanh nghiệp (DN) Nhật Bản lựa chọn và cơ quan chức năng Nhật Bản đồng ý cấp
phép nhập khẩu. Như vậy, cùng với trái thanh long, đây là loại trái cây thứ hai
của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản.Việc Nhật Bản nhập khẩu trái
xoài Cát Chu là tin vui cho những người nông dân Việt Nam cũng như đối với
người tiêu dùng Nhật Bản trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng trái cây
tươi của Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ
NN & PTNT) - cho biết, để đưa trái xoài Cát Chu Việt Nam vào thị trường
Nhật Bản, các cơ quan chức năng của Việt Nam phải mất 5 năm để chuẩn bị hồ sơ,
xây dựng quy trình xử lý dịch hại, mới được phía Nhật Bản chấp thuận. Cho đến
nay, các DN xuất khẩu xoài Việt Nam, chủ yếu ở phía Nam đã xuất sang Nhật Bản
và được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Mặc dù, chưa có số liệu chính xác về
số lượng xuất khẩu nhưng giá xoài của Việt Nam cao hơn giá xoài Thái Lan xuất
khẩu sang Nhật Bản từ 2- 3 USD/kg, với giá xuất khoảng 8 - 10 USD/1kg.
Trái xoài Việt Nam được đánh giá có triển vọng, khả năng
cạnh tranh và lợi thế lớn tại Nhật Bản. Lý giải về vấn đề này, ông Hồng cho
biết: Năm 2015, Cục Bảo vệ thực vật mới cấp mã số vùng trồng được khoảng vài
chục ha, và dự kiến sang năm con số này sẽ tăng lên hàng trăm ha hoặc nhiều
hơn. Ông Hồng dự báo, xuất khẩu xoài năm 2016 sẽ có những đột phá. “Xoài Việt
Nam rất ngon và có thể cung cấp quanh năm, bên cạnh đó, khoảng cách Việt Nam
sang Nhật rất gần và đặc biệt người Nhật rất thích xoài Việt Nam. Đây là một
lợi thế lớn của xoài Việt trên đất Nhật”, ông Hồng nói.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu trái xoài sang thị
trường Nhật, điều quan trọng nhất lại phụ thuộc vào năng lực của các DN. Các DN
trong nước phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ Nhật như yêu cầu về kiểm dịch
thực vật, an toàn thực phẩm, hay trong quy trình sản xuất DN phải có vùng
nguyên liệu được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng và được sản xuất theo
quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Hồng cho biết thêm, các loại trái cây chiến lược của
Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu không chỉ sang Nhật mà còn sang nhiều quốc gia
khó tính khác. Đây là một trong lợi thế của Việt Nam trong tái cơ cấu ngành
nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Người nông dân có thể chuyển một
phần đất từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả, hoặc thậm chí không cần tăng diện
tích mà nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi thói quen canh tác, tiếp cận các
thị trường lớn thì giá trị sản phẩm có thể tăng lên nhiều lần. Để làm được việc
này, điều quan trọng là ý thức của mỗi nông dân, doanh nghiệp trong việc làm
thế nào để tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe, hàng
rào kỹ thuật của những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng.
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN & PTNT):
Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang đàm
phán với Nhật Bản để xuất khẩu thanh long ruột đỏ (thanh long ruột trắng đã
xuất khẩu sang), sau đó là vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa.
|