Ba vấn đề cần đặc biệt chú ý trong TPP
Nếu TPP tạo ra một "cuộc chơi" thì trong “cuộc chơi” này, kẻ được - người mất chỉ có tính tương đối và có 3 vấn đề mà các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý.
Với 30 chương và gần 6.000 trang, Hiệp định Đối tác xuyên
Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá là đã vượt qua khuôn khổ một hiệp định kinh
tế - thương mại về tầm vóc và tác động.
Với tiêu chuẩn cao, vượt trội các hiệp định thương mại tự do
(FTA) truyền thống cả về phạm vi và chiều sâu cam kết, TPP đưa tự do thương mại
lên cấp độ cao hơn, giảm thuế sâu hơn, bao quát trên diện rộng hơn, không chỉ
dừng lại ở cắt giảm thuế mà còn đảm bảo hạn chế tối thiểu các hàng rào phi
thuế, xây dựng luật chơi cho các vấn đề nhạy cảm thường bị bế tắc trong các
khuôn khổ liên kết kinh tế toàn cầu khác (điển hình là WTO) như nông nghiệp,
dịch vụ, sở hữu trí tuệ,... đồng thời xác lập khuôn khổ cho các vấn đề mới như
lao động, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ....
TPP được dự báo sẽ giúp tăng thêm 223,4 tỷ USD cho GDP thế
giới và 35,7 tỷ USD, tương đương 10,5% GDP cho riêng Việt Nam đến năm 2025 (1)
và sẽ có tác động mạnh đến các tiến trình liên kết thương mại khu vực và toàn
cầu như WTO, RCEP, Hiệp định Thương mại – Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP),
Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP)...
Kẻ được-người mất
Là nước đang phát triển trình độ thấp trong cuộc chơi công
bằng với các nền kinh tế phát triển nhất của thế giới, Việt Nam đứng trước
nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn. Các cơ hội và khó khăn đan xen và có
tác động khác nhau đối với các nhóm doanh nghiệp thuộc ngành nghề và trình độ
khác nhau.
Về khả năng tiếp cận thị trường, thị trường tiêu thụ, cả nội
địa và xuất khẩu, của các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh ngày càng mở rộng,
trong khi thị trường của các doanh nghiệp kém cạnh tranh hơn ngày càng bị thu
hẹp.
Trong nông nghiệp, Việt Nam có lợi thế đối với sản xuất nông
sản do điều kiện khí hậu thuận lợi song gặp bất lợi đối với ngành chăn nuôi.
Trong 12 nước tham gia TPP, các nước Hoa Kỳ, Australia, New Zealand có không
gian rộng lớn, quy trình sản xuất công nghiệp hiện đại nên có lợi thế cạnh
tranh vượt trội so với Việt Nam. Do đó, khi TPP mở cửa thì những sản phẩm chăn
nuôi của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt.
Về hàng rào thương mại, trong ngắn hạn, TPP mang lại
lợi ích cao hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng hiện đang bị áp thuế
cao đồng thời gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đang sản xuất mặt hàng áp
thuế nhập khẩu cao.
Về dài hạn, khi hàng rào thuế quan giảm dần, các hàng rào kỹ
thuật có xu hướng tăng và khi lộ trình dành cho Việt Nam kết thúc (từ 5-10
năm), lợi ích sẽ chuyển sang doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng
đáp ứng chất lượng và yêu cầu kỹ thuật của thị trường trong TPP. Ngược lại các
mặt hàng không đáp ứng các yêu cầu phi thuế quan sẽ gặp nhiều bất lợi khi cạnh
tranh với các thành viên TPP khác, thậm chí ngay tại sân nhà.
Ví dụ: Các mặt hàng nông sản như gạo (Mexico đánh thuế 20%
cho gạo nhập khẩu), dệt may (hiện chịu thuế từ 7-32% tại thị trường Mỹ) (2) sẽ
dần được hưởng mức thuế 0%, giúp tăng đáng kể khả năng cạnh tranh và doanh thu
của các mặt hàng này trong thị trường TPP. Ngược lại, các mặt hàng ta đang bảo
hộ mạnh như ô tô, các ngành dịch vụ sẽ chịu không ít thách thức.
Về khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua quy
định về quy tắc xuất xứ, TPP thúc đẩy vận hành chuỗi giá trị toàn cầu trong nội
bộ các thành viên trong nhóm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gắn với thị trường
đầu vào và đầu ra với các nước trong TPP (Mỹ, Nhật Bản, Australia...) nhưng tạo
thách thức đối với doanh nghiệp vốn gắn với thị trường ngoài TPP (điển hình là
Trung Quốc).
Theo đó, chẳng hạn trong dệt may, với yêu cầu các nguyên
liệu từ sợi đến sản phẩm cuối cùng phải có xuất xứ từ các nước trong TPP, doanh
nghiệp nào tự chủ được nguồn nguyên liệu trong nước hoặc các nước trong TPP sẽ
được hưởng lợi nhiều nhất trong khi đó doanh nghiệp phụ thuộc vào thị trường
ngoài TPP thì không tận dụng được mức thuế ưu đãi 0% trong khuôn khổ TPP. Nếu
theo số liệu năm 2014, Việt Nam chỉ nhập tương ứng 4,76%; 5,59% và 0,87% nguyên
liệu dệt may từ ba đối tác trong TPP là Nhật Bản, Hoa Kỳ và Australia, số lượng
doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0% là rất khiêm tốn.
Làm gì để tận dụng lợi ích của TPP?
Để tận dụng được các cơ hội to lớn và giảm thiểu các khó
khăn mà TPP mang lại, doanh nghiệp Việt Nam không còn cách nào khác ngoài việc
phải tự thay đổi mình để cạnh tranh và khai thác các cơ hội kinh doanh và thị
trường to lớn của TPP. Bên cạnh cải cách nhằm nâng cao năng suất, kỹ năng quản
lý của doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến 3 vấn đề sau:
Nghiên cứu thị trường
Trong môi trường càng cạnh tranh, yêu cầu về nghiên cứu thị
trường càng cao và tỉ mỉ giúp doanh nghiệp xác định được lợi thế cạnh tranh của
mình, từ đó xác định được sản phẩm hay khâu trong chuỗi giá trị của sản phẩm để
tập trung phát triển; vượt qua hàng rào kỹ thuật hay tận dụng các ngoại lệ dành
riêng cho Việt Nam.
Ví dụ: Đối với Việt Nam, quy tắc xuất xứ nội khối tạo nên
sức ép, đồng thời mở ra cơ hội tăng cường thu hút FDI, là cơ hội tốt cho Việt
Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa từ nguyên liệu
trong nước hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nước thành viên TPP. Trong nông
nghiệp, Việt Nam cần sử dụng phân bón, thức ăn và thuốc bảo vệ thực vật đúng
cách để vượt qua hàng rào kỹ thuật của TPP. Trong dệt may, doanh nghiệp Việt
Nam có thể tận dụng các ngoại lệ ngoài nguyên tắc “từ sợi trở đi” như “cơ chế
nguồn cung thiếu hụt” hay hạn mức 10% trong tổng giá trị của thành phẩm.
Trau dồi ngoại ngữ
Phát biểu trước 2.000 sinh viên tại Đại học Quốc gia Đài
Loan, tỷ phú Jack Ma của Trung Quốc chia sẻ tiếng Anh đã góp phần giúp ông xây
dựng “đế chế” Alibaba như ngày nay.
Ngoại ngữ không chỉ cần thiết đối với doanh nghiệp muốn vươn
ra nước ngoài mà cũng quan trọng thậm chí đối với doanh nghiệp chỉ xác định đưa
sản phẩm tiêu thụ trong nước do nhu cầu hợp tác với các đối tác và khách hàng
nước ngoài; nhu cầu học hỏi kinh nghiệm quản lý từ các nước tiên tiến và đặc
biệt là nhu cầu tìm hiểu luật chơi trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam
tham gia.
Tăng cường gắn kết giữa các doanh nghiệp
Để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài có nguồn vốn mạnh
và quy mô rộng lớn, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt
Nam, thay vì cạnh tranh nhau thì cần hợp tác, gắn kết tốt hơn thông qua các
Hiệp hội ngành nghề, các câu lạc bộ doanh nghiệp... để tạo lợi thế về quy mô
(economies of scale), tập hợp thành một tiếng nói chung, thống nhất để chia sẻ
kinh nghiệm, góp phần thiết lập luật chơi cho thị trường theo hướng có lợi cho
doanh nghiệp, tăng cường khả năng đối thoại và thương thuyết với các bên liên
quan, phục vụ tốt hơn cho khách hàng.
Tóm lại, các FTA thế hệ mới, điển hình là TPP, tạo ra một
"cuộc chơi" khắt khe, lành mạnh hơn và có khả năng đào thải nhanh hơn
các doanh nghiệp thiếu cạnh tranh. Trong "cuộc chơi" này, kẻ được –
người mất chỉ có tính tương đối. Doanh nghiệp nào chủ động tìm hiểu luật chơi,
mạnh dạn cải cách để chuẩn bị thích nghi với môi trường mới thì có thể biến thiệt
thành lợi, chuyển bại thành thắng.