SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu tổn thương tâm lý ở người phơi nhiễm dioxin và hiệu quả các giải pháp can thiệp

[13/01/2016 14:28]

Chiều ngày 21/12, tại Hà Nội, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với Văn phòng Chương trình 33, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đề tài "Nghiên cứu tổn thương tâm lý ở người phơi nhiễm dioxin và hiệu quả các giải pháp can thiệp" do Tiến sỹ Nguyễn Minh Phương, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều loại chất độc hoá học một cách rộng rãi làm trụi lá cây, diệt cỏ, huỷ diệt môi trường, sinh thái. Theo số liệu thống kê từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt nam khoảng 72 triệu lít chất độc hoá học, trong đó có 42 triệu lít chất da cam mang độc tố Dioxin. Những nạn nhân bị chất độc da cam là những người suốt đời phải chịu những đau đớn về thể xác do những bệnh tật trên cơ thể gây ra. Những đau đớn về thể xác này dẫn tới những thay đổi về tâm lý của họ. Đó là những thay đổi về nhận thức, tình cảm thái độ và hành vi theo chiều hướng tiêu cực. Họ bi quan về tương lai và cuộc sống của mình. Họ gặp nhiều khó khăn trong việc thích ứng với môi trường sống. Trong những năm qua Nhà nước ta đã có nhiều quan tâm qua những việc làm thiết thực đến những nạn nhân nhiễm chất độc da cam, có nhiều hoạt động nhân đạo để giúp đỡ họ, song họ vẫn là nhóm xã hội có nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Đối với các gia đình sinh ra những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh do chất độc da cam. Bản thân những đứa trẻ này phải chịu đau khổ, thiệt thòi suốt đời. Chúng không có điều kiện học tập và sinh hoạt bình thường và rất khó khăn trong việc hoà nhập với cộng đồng. Mặt khác, chúng đã trở thành nỗi buồn phiền, đau khổ và gánh nặng cho gia đình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục.

Trong những năm qua nhà nước đã có tổ chức và triển khai những hoạt động và chính sách tại các địa phương nhằm trợ giúp và hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân Dioxin. Các hoạt động trợ giúp của chính quyền địa phương chủ yếu là tuyên truyền để giúp người dân có nhận thức tốt hơn về chăm sóc sức khoẻ cho người bị nhiễm chất độc hoá học, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc thông cảm chia sẻ với nỗi đau của nạn nhân và dựa trên các chính sách của nhà nước xếp nạn nhân vào các mức nhiễm độc để họ hưởng chế độ. Tuy nhiên, các hoạt động hỗ trợ tư vấn tâm lý xã hội rất ít hoặc không tiến hành tốt vì gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là kinh phí rất hạn hẹp, khó vận động cộng đồng tham gia trợ giúp nạn nhân, không có các chuyên gia tâm lý - xã hội, thiếu sự phối hợp hoạt động của các ban ngành. Đa số người dân chưa được tham gia các lớp tập huấn, các chương trình nâng cao nhận thức, kỹ năng về trợ giúp tâm lý – xã hội cho các nạn nhân chất độc Dioxin. Một trong những khó khăn lớn nhất của người dân trong việc giúp các nạn nhân chất độc là không có kiến thức và kỹ năng trợ giúp họ. Vì vậy, việc triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu tổn thương tâm lý ở người phơi nhiễm dioxin và hiệu quả các giải pháp can thiệp” là cần thiết và rất có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đề tài không những đánh giá toàn diện về các tổn thương tâm lý của các nạn nhân dioxin và những người phơi nhiễm với dioxin, mà còn triển khai các giải pháp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, điều trị tổn thương tâm lý cho nạn nhân và người nhà nạn nhân ngoài cộng đồng.

de tai 1.JPG

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phương, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng báo cáo tại buổi nghiệm thu

Đề tài đã tập trung vào xác định tổn thương tâm lý và sức khỏe tâm thần ở người phơi nhiễm dioxin; xây dựng và đánh giá hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần ở người phơi nhiễm dioxin. Đối tượng nghiên cứu đề tài đề cập đến là các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin và các thân nhân cùng sống với họ tại thành phố Biên Hòa, Đà Nẵng và tỉnh Thái bình.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đã đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn và khoa học trong kết quả nghiên cứu của đề tài. Đề tài đã đánh giá được thực trạng tổn thương tâm lý, chất lượng cuộc sống của nạn nhân; đánh giá được gánh nặng chăm sóc và chất lượng cuộc sống của người nhà nạn nhân (người chăm sóc nạn nhân). Đề tài cũng đã xây dựng thành công mô hình chăm sóc sức khoẻ tâm thần và ứng dụng thành công tại thực địa.

“Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công các phương pháp đánh giá tổn thương tâm lý của nạn nhân và người nhà nạn nhân dioxin bằng các thử nghiệm tâm lý được việt hóa. Do vậy, Đề tài nên xây dựng thành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về phương pháp đánh giá tổn thương tâm lý cho nạn nhân và người nhà nạn nhân.” - GS.TS, Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện Quân y nhấn mạnh.

www.monre.gov.vn(lntrang)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ