SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Năm 2015: Xuất khẩu tôm Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức

[18/01/2016 14:16]

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, XK tôm Việt Nam tính tới tháng 11/2015 đạt 2,7 tỷ USD, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm 2014. Năm 2015, XK mặt hàng này ước đạt gần 3 tỷ USD, giảm mạnh 25% so với cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 44% trong tổng XK thủy sản.

Năm 2015 tình hình hoàn toàn đảo ngược so với năm 2014. Nhu cầu NK từ các thị trường chính giảm, giá XK lao dốc, sản lượng của Ấn Độ tăng mạnh, giá tôm cạnh tranh tại thị trường Mỹ và đồng nội tệ của các nước cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia giảm giá so với USD với tỷ lệ giảm mạnh hơn nhiều so với tỷ giá của đồng VND so với USD. Các yếu tố này đã làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam đồng thời khiến XK tôm liên tục giảm 25 – 30% trong năm nay.

Năm 2015, tôm Việt Nam được XK sang 92 thị trường, giảm so với 150 thị trường của năm 2014. Top 10 thị trường chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN và Thụy Sỹ, chiếm gần 95% tổng giá trị XK tôm. XK tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm mạnh: Mỹ (-35,4%), EU (-18%), Nhật Bản (-22,8%), Trung Quốc (-17%)…

Trong bức tranh XK tôm sang các khối thị trường chính đều giảm, XK sang 2 thị trường đơn lẻ tăng so với 2014 như Anh (+17,3%), Hồng Kông (+3,9%). Đáng chú ý là thị trường Anh - thị trường NK tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU - ngày càng tăng nhu cầu đối với tôm nước ấm do nguồn cung tôm nước lạnh trên thị trường này giảm trong khi giá lại cao.

Trong các yếu tố tác động đến XK tôm năm 2015 phải kể đến những biến động mạnh trên thị trường tiền tệ. Năm 2015, đồng USD tăng giá mạnh so với tiền tệ của các nước lớn cùng với động thái thả nổi hoặc phá giá đồng nội tệ của một số nước khiến cho thị trường bất ổn: nhu cầu giảm, áp lực cạnh tranh tăng. Đặc biệt là chính sách tỷ giá của Trung Quốc khiến cho thị trường tài chính và hàng hóa xáo trộn.

Trong 3 năm qua, Trung Quốc đã phá giá đồng NDT sau khi các đồng tiền chính giảm giá mạnh so với USD. Tính từ tháng 1/2013 đến tháng 8/2015: đồng Euro giảm 20%, đồng yên Nhật giảm 39%, đồng won Hàn Quốc giảm 11% so với đồng USD. Ngược lại đồng NDT đã tăng giá suốt 3 năm qua, trước khi có động thái giảm giá vào tháng 8/2015, VND cũng neo giá cố định. Đến tháng 8/2015, VND giảm giá nhẹ (-5%) so với thời USD và NDT tính từ thời điểm tháng 1/2013.

Giảm giá mạnh nhất là nội tệ của các nước đang phát triển: đồng Real của Brazil giảm 72%, đồng peso của Colombia giảm 52%, đồng rupiah Indonesia giảm 42%, đồng ringgit Malaysia giảm 33%, đồng rupee Ấn Độ giảm 20%, Baht Thái Lan giảm 18% so với đồng USD. Sự giảm giá nội tệ của các nước đối thủ này khiến cho thủy sản Việt Nam trong đó có tôm khó cạnh tranh trên thị trường thế giới. 

Biến động tiền tệ khiến nhu cầu chuyển sang các sản phẩm giá thấp như cá biển, cá nước ngọt trong khi nhu cầu tôm giảm.

Yếu tố tác động lớn thứ 2 là giá tôm thế giới giảm mạnh. Kinh tế thế giới suy thoái, đặc biệt tại các thị trường chính, nhu cầu tiêu thụ giảm tạo ra vòng xoáy giảm giá cho hầu hết các mặt hàng nông thủy sản, đặc biệt là các loài thủy sản cao cấp như tôm. Ví dụ với sản phẩm tôm sú cỡ 16/20 của Việt Nam vốn được ưa chuộng tại thị trường Mỹ, giá đã giảm 14% từ 11,3 USD hồi đầu năm xuống còn 9,75 USD/pao trong quý III. Tôm sú vỏ cỡ 21/25 của Việt Nam giảm gần 30% từ 7,5 USD xuống 5,8 USD/pao, trong khi giá tôm cùng loại của Ấn Độ cũng giảm từ 6,9 USD xuống mức tương đương 5,85 USD/pao.

Biến động tiền tệ, vòng xoáy giảm giá khiến cho sức cạnh tranh của tôm Việt Nam yếu đi so với các nước đối thủ. Giá tôm Việt Nam cao nhất trên các thị trường chính do giá thành sản xuất cao hơn so với các nước cạnh tranh.

Mặc dù đối mặt với không ít thách thức, XK tôm Việt Nam vẫn có cơ hội lạc quan trước những tín hiệu tích cực từ thông tin thuế CBPG giảm mạnh và làn sóng FTA và TPP. Ngày 7/9/2015, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh NK từ Việt Nam giai đoạn từ 01/2/2013 đến 31/01/2014. Theo đó, mức thuế trung bình 0,91% giảm mạnh so với mức thuế 6,37% của kỳ xem xét POR8. Đây là một tín hiệu đáng mừng với XK tôm của Việt Nam, phần nào giúp tháo gỡ gánh nặng về thuế XK cho các DN XK tôm.

Làn sóng FTA và TPP mang lại ưu đãi lớn cho các DN XK vì tập trung mở cửa thị trường hàng hóa bằng việc giảm thuế NK tại các thị trường đối tác. Theo đó, mặt hàng tôm có lợi thế rõ rệt sau khi ký kết các FTA song phương với Hàn Quốc, EU, Cộng đồng kinh tế Á – Âu và TPP. Thuế NK hầu hết các sản phẩm tôm nguyên liệu được giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đối với sản phẩm tôm GTGT thì tùy theo thị trường mà có các mức giảm theo lộ trình.

Hơn nữa, ký kết FTA và TPP giúp mở rộng thị trường và tăng khả năng cạnh tranh cho tôm Việt Nam vì các nước đối thủ của VN hầu hết chưa ký FTA với các đối tác này.

Năm 2016, TPP và các FTA sẽ tác động tích cực đến XK tôm Việt Nam. Mặc dù vẫn bị ảnh hưởng xu hướng giảm giá và biến động tiền tệ nhưng XK tôm Việt Nam dự báo sẽ tăng khoảng 12% đạt khoảng 3,3 tỷ USD.

vasep.com.vn (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ