SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bản tin Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) tháng 01

[25/01/2016 13:56]

Tin tức hoạt động

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ

Đảm bảo rằng, đến năm 2018, ngoại trừ danh mục 3% dòng thuế trong danh mục loại trừ, toàn bộ số dòng thuế còn lại được thực hiện cắt giảm đúng cam kết ATIGA...

aec.jpg

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập vào ngày cuối cùng của năm 2015. Với sức mạnh của 10 quốc gia Đông Nam Á cùng với hàng rào thuế quan và phi thuế quan được gỡ bỏ, một thị trường rộng lớn đã mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong trao đổi hàng hóa, thương mại, thu hút đầu tư và tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực.

Cắt giảm nhiều dòng thuế

Tiếp nối những thành tựu của Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA), trong môi trường AEC, lĩnh vực thuế được cam kết nâng cao hơn nữa nhằm tạo điều kiện đảm bảo tự do hóa thương mại hàng hóa, tự do di chuyển vốn đầu tư và lao động trong khối ASEAN. Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính Phạm Đình Thi cho rằng việc hình thành AEC sẽ mang lại cả lợi ích và thách thức cho Việt Nam do phải thực hiện cắt giảm hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu từ cộng đồng AEC về 0% vào năm 2018.

Đúng theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến cuối năm 2014, Việt Nam đã cắt giảm 6.859 dòng thuế (chiếm 72% tổng Biểu thuế xuất nhập khẩu) xuống 0%. Để tiếp tục triển khai lộ trình cắt giảm thuế quan giai đoạn 2015-2018 thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Bộ Tài chính đã công bố Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định ATIGA giai đoạn này.

Theo đó, từ ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cắt giảm thêm 1.720 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết ATIGA. Như vậy, chỉ còn khoảng 7% dòng thuế, tương đương 687 mặt hàng được xem là nhạy cảm theo thỏa thuận với ASEAN chưa cắt giảm ngay về 0% trong năm 2015 mà thực hiện dần đến năm 2018 (gồm các mặt hàng nhạy cảm cần có lộ trình bảo hộ dài hơn, chủ yếu như: sắt thép, giấy, vải may mặc, ô tô, linh kiện phụ tùng ô tô, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu xây dựng, đồ nội thất...) và 3% số dòng thuế của biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan (bao gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm được phép duy trì thuế suất ở mức 5%: gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thị chế biến, đường).

Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể lộ trình cắt giảm thuế đối với 7% số mặt hàng nhạy cảm trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018. Qua đó, đã đảm bảo rằng, đến năm 2018, ngoại trừ danh mục 3% dòng thuế trong danh mục loại trừ, toàn bộ số dòng thuế còn lại được thực hiện cắt giảm đúng cam kết ATIGA.

Ông Nguyễn Bá Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế từ hơn 10 năm trước và quá trình xây dựng thực hiện cam kết này đã được tham vấn rộng rãi cũng như lấy ý kiến các Bộ, ngành, Hiệp hội, Tổng công ty và doanh nghiệp.

“Lộ trình này đã tính từ nhiều năm nay, đây chỉ là giai đoạn thực hiện cuối và các biện pháp chính sách cũng đã tính toán để thực hiện lộ trình này. Đồng thời, công tác phổ biến, tuyên truyền đã làm rộng rãi, các doanh nghiệp đã biết về cam kết cùng với các biện pháp tranh thủ cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực”, ông Nguyễn Bá Toàn nói thêm.

Sức ép phụ thuộc nguồn nguyên liệu

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hội nhập với Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam đang đón đợi nhiều cơ hội tuy nhiên cũng sẽ tạo ra nguy cơ phụ thuộc ngày càng tăng vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu và giảm đầu tư cho sản xuất tự cung cấp trong nước. Đặc biệt, nguy cơ này sẽ ngày càng tăng khi mức độ ưu đãi về thuế ngày càng cao từ các thị trường nước ngoài.

Ông Phạm Đình Thi cho biết những ngành chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan cao và sâu rộng khi tham gia AEC bao gồm: ô tô, động cơ phụ tùng ô tô xe máy, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, bánh kẹo, thức ăn gia súc, sản phẩm nhựa, phôi thép, lốp ô tô, máy điều hòa, máy làm lạnh, vô tuyến, tàu thuyền.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2015 – 2020, ngành chăn nuôi bao gồm 5 nhóm ngành cơ bản là thịt gà, thịt lợn, thịt trâu/bò, thịt bò và phụ phẩm và thịt khác có tác động giảm thuế từ các Hiệp định như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc… là mức thuế thấp hơn nhiều so với mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN). Thuế suất năm 2015 với thị trường ASEAN là 0%, trong khi các hiệp định khác giảm dần từ mức dưới thuế suất MFN và sẽ cắt giảm xuống 0% vào năm 2020 trở đi. Do vậy, khả năng nhập khẩu các mặt hàng nói trên trong những năm tiếp theo có thể sẽ tăng do mức chênh lệch thuế suất so với mức thuế MFN và các mức thuế suất ưu đãi đặc biệt khác.

Tuy nhiên xét theo giá trị kim ngạch nhập khẩu thì các mặt hàng thuộc ngành chăn nuôi từ ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản ở mức thấp hơn so với Ấn Độ, các nước TPP. Do vậy, khả năng nhập khẩu các mặt hàng chăn nuôi từ ASEAN cũng sẽ tăng không nhiều nhất là khi Hiệp định TPP có hiệu lực.

Tham gia AEC, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm sữa Việt Nam không cao do phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu và thiết bị nhập khẩu, chất lượng sữa. Thuế suất theo cam kết qua các năm của ngành sữa nhìn chung là giảm dần đều. Việc hạ thuế suất nhập khẩu sẽ khiến nguy cơ phụ thuộc vào nguyên liệu sữa ngoại nhập và các sản phẩm sữa nhập khẩu ngày càng cao.

Các nước ASEAN cũng đã thảo luận về việc dỡ bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường. Theo đó, hạn ngạch nhập khẩu đường của Việt Nam dự kiến sẽ phải dỡ bỏ kể từ năm 2018. Nguy cơ nhập khẩu từ AEC tăng cao, sẽ khiến ngành mía đường trong nước gặp khó khăn do ngành này đã được hưởng các chính sách bảo hộ trong một thời gian dài.

Bên cạnh đó, theo hiệp định ATIGA, thuế suất nhập khẩu ô tô chở người dưới 9 chỗ sẽ về 0% vào năm 2018. Đây là một thách thức bởi sau một thời gian dài bảo hộ và phát triển chính sách trong nước, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn phát triển chậm hơn so với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Mặt khác, máy móc thiết bị, cũng là ngành hàng chịu tác động lớn khi thuế suất giảm bởi Việt Nam nhập khẩu các nguyên liệu trên từ 37 nước trên thế giới; trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính. Ngoài ra, ngành giấy cũng sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt khi thuế suất nhập khẩu giảm mạnh xuống 0% vào năm 2018.

Tiến tới phù hợp thông lệ quốc tế

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng bên cạnh cam kết giảm thuế xuất nhập khẩu theo lộ trình AEC Việt Nam cần điều chỉnh hệ thống thuế nội địa. Việc điều chỉnh này không trực tiếp nằm trong nội dung cam kết với ASEAN nhưng sẽ giúp hệ thống thuế Việt Nam phù hợp với các thông lệ quốc tế, đơn giản hóa và minh bạch hóa hệ thống thuế; đồng thời xác định mức động viên hợp lý, đảm bảo số thu cho ngân sách.

Bộ Tài chính cho biết đón đầu xu thế hội nhập, Bộ đã triển khai điều chỉnh một số chính sách thuế nội địa để vừa sức dân, vừa đảm bảo số thu cho ngân sách nhà nước. Theo đó, giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế Thu nhập cá nhân giảm xuống còn 35%, điều chỉnh tăng hoặc giảm thuế suất của nhiều mặt hàng trong biểu thuế tiêu thụ đặc biệt…

Trong bài viết về Đổi mới về chính sách thuế và hải quan khi Việt Nam tham gia AEC, PGS.,TS. Lê Xuân Trường và TS Lý Phương Duyên cho rằng cần xử lý hệ thống thuế nội địa để bổ sung cho việc thực hiện giảm thuế theo lộ trình đến năm 2018 đối với những mặt hàng nhạy cảm, đặc biệt là những mặt hàng sẽ giảm mạnh thuế nhập khẩu như ô tô, xe máy. Nghiên cứu điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô, xe máy và một số mặt hàng khác ở mức hợp lý và mở rộng diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là một giải pháp cần nghĩ đến để bổ sung cho sự suy giảm nguồn thu của thuế nhập khẩu. Điều chỉnh tăng mức thu thuế bảo vệ môi trường và danh mục các hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường hay tăng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng là những biện pháp có thể nghiên cứu trong thời gian tới.

Ông Phạm Đình Thi cho rằng đề hạn chế tác động tiêu cực và tận dụng tích cực quá trình tham gia AEC thì thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về thuế để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam./.

Dệt may Việt Nam đón cơ hội từ những FTA thế hệ mới

Vượt lên những khó khăn về thị trường, sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia xuất khẩu dệt may khác, dệt may Việt Nam vẫn giữ vững vị trí tốp 5 trong số các nước xuất khẩu dệt may năm 2015. Điều này thể hiện sự cố gắng bền bỉ không mệt mỏi của tất cả các doanh nghiệp trong ngành.

ttxvn-1701-det-may-1453038450085.jpg

Trước dự báo 2016 sẽ là một năm nhiều biến động trong cả thị trường tài chính, tiền tệ và cả mức độ tăng trưởng của thế giới, nhiều doanh nghiệp dệt may không khỏi lo ngại trước những khó khăn thách thức mà họ sẽ phải vượt qua để xuất khẩu cán đích.

"Nước xa không cứu được lửa gần"

Chia sẻ những khó khăn trước mắt mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng Giám đốc Công ty May Hưng Yên-Công ty cổ phần, cho biết cùng với việc Fed điều chỉnh lãi suất tăng và giá xăng dầu giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp. Chẳng hạn, hàng xuất khẩu vào Mỹ sẽ có sự so sánh với các nước xung quanh khu vực là đã điều tiết đồng nội tệ giảm. Vì thế, nếu làm phép tính sẽ thấy hàng Việt Nam đắt hơn và họ sẽ chuyển đơn hàng sang Indonesia, Myanmar thậm chí lại sang Trung Quốc.

Ước vọng hưởng lợi từ các Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mới chỉ dừng lại trên giấy và vẫn chưa thể thực hiện ngay được.

Ngay cả TPP thực hiện sớm nhất cũng phải năm 2017 hay EVFTA cũng vậy bởi khi Quốc hội các nước ký xong thì cũng phải chuẩn bị đủ các thủ tục thì mới có thể áp dụng được.

Do đó, có thể nói "nước xa không cứu được lửa gần" khi kề sát tới đây là việc tăng giá đầu vào và sự cạnh tranh của nước khác. Vì vậy, năm 2016 sẽ là một năm khó khăn của doanh nghiệp ngành dệt may. Cùng quan điểm này, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cũng cho rằng đến giờ phút này ngoại trừ nền kinh tế Mỹ là có nhiều tín hiệu cho thấy đã phục hồi hoàn toàn.

Biểu hiện rõ nhất là đã nâng trở lại lãi suất của Fed trong giai đoạn vừa qua. Nhưng những thị trường như châu Âu, Nhật Bản và một số nước đang phát triển khác tín hiệu tăng trưởng kinh tế không cao nên xác định tổng cầu năm 2016 của thế giới vẫn chỉ tương đương 2015.

Ngoài ra, dự báo giá dầu tiếp tục ở mức thấp trong năm 2016 chứng tỏ nguồn giá nguyên liệu có ảnh hưởng trực tiếp đến dệt may như xơ polyeste, các xơ sợi làm từ các sản phẩm tổng hợp từ hóa dầu cũng sẽ thấp. Điều này sẽ kéo theo các sản phẩm tự nhiên như bông, các cây có sợi khác cũng phải giảm theo để cạnh tranh. Vì vậy, mặt bằng giá chung cho sản phẩm năm 2016 là không tăng. Từ những nguyên nhân này, ông Lê Tiến Trường ước lượng về mặt tổng cầu và đơn giá của năm 2016 sẽ khó có sự thay đổi nếu không nói đơn giá sẽ còn thấp hơn cả 2015 nếu xu thế giá dầu xuống dưới 30 USD.

Trong bối cảnh này, việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ chỉ đạt từ 8-10% bởi vì các Hiệp định thì chưa có hiệu lực, cầu thấp, đơn giá thấp nhưng tăng trưởng về sản lượng có thể đạt từ 11-12%. Nếu như vậy dệt may vẫn có thể tăng trưởng thêm trên 2 tỷ USD và có thể đạt từ 29,5 đến 30 tỷ USD vào năm 2016.

Chủ động đón cơ hội

Nhìn lại kết quả năm 2015, dù không đạt được kết quả như mong đợi 27,5 tỷ USD và chỉ dừng lại ở 27 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của cả nước nhưng ông Lê Tiến Trường vẫn khẳng định đây là sự cố gắng của cả một tập thể doanh nghiệp sau một năm đầy biến cố.

Theo ông Lê Tiến Trường, sở dĩ dệt may năm nay “lỡ hẹn” bởi mặt bằng giá chung của toàn thế giới nhất là giá các nguyên liệu chính như dầu thô, bông đều thấp đã kéo theo giá trị sản xuất công nghiệp giảm. Bởi vậy mà dù năm 2015 sản lượng làm ra của các doanh nghiệp dệt may tăng nhưng do đơn giá thấp nên kế hoạch của cả năm chỉ ngấp nghé ở con số 99%.

Hơn nữa, các quốc gia sản xuất dệt may lớn như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc phá giá đồng nội tệ “biến” sản phẩm của họ có giá thành thấp hơn Việt Nam. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu dệt may không cán đích.

Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2016 cũng như đón đầu cơ hội từ những FTA thế hệ mới mang lại, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Vinatex, cho biết mới đây, Tập đoàn đã đưa vào hoạt động ba dự án sản xuất các loại nguyên liệu gồm sợi Phú Hưng, nhà máy dệt nhuộm I-an-dai tại Long An và nhà máy sợi cao cấp đặc biệt tự động hóa cao nhất tại Việt Nam để tạo ra nguồn sợi chất lượng cao cho nhà máy I-an-dai. Đồng thời, Tập đoàn cũng mua lại nhà máy sản xuất vải tại khu vực Hòa Khánh (Đà Nẵng) để cung cấp thêm các loại vải sản xuất quần tại khu vực này.

Cùng với đó, hiện tại Vinatex đang có sáu dự án may đang triển khai tại các vùng và đang nằm trong chuỗi liên kết sản xuất dệt kim cũng như quần áo dệt thoi và veston mới.

Dự kiến, các dự án này sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2016 còn dự án sợi Nam Định sẽ hoàn thành trong quý 1/2016

và đang chuẩn bị để bắt đầu đi vào đầu tư khu Liên hợp sợi-dệt-nhuộm tại Quế Sơn (Quảng Nam). Khu này với quy mô khoảng 12.000 tấn vải dệt kim/năm, đủ sức cung ứng sản phẩm vải dệt kim cho quy mô sản xuất may cỡ khoảng 15.000 lao động và trở thành vệ tinh liên kết trong các chuỗi cung ứng.

"Mục tiêu đến năm 2020 dệt may phải đạt 65% tỷ lệ nội địa trong hàng hóa sản xuất. Tuy nhiên, dự kiến trong năm 2018 tại thời điểm cả TPP và EVFTA có hiệu lực thì Vinatex phải chủ động khoảng 60% nguồn nguyên liệu từ sợi và từ vải trở đi để đáp ứng điều kiện của hai Hiệp định này," ông Trần Quang Nghị khẳng định.

TTXVN/Vietnam+
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ