Triển vọng khai thác nguồn địa nhiệt tại Việt Nam
Ngày 19/01, tại Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đã tiến hành nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu đánh giá một số nguồn địa nhiệt triển vọng và có điều kiện khai thác cho phát triển năng lượng ở Việt Nam” mã số KC.08.06/11-15 do TS. Đoàn Văn Tuyến, Viện Địa Chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam Chủ nhiệm.
TS.
Đoàn Văn Tuyến báo cáo kết quả Đề tài
Tại buổi nghiệm thu, TS. Đoàn Văn Tuyến cho biết, vấn đề
khai thác các nguồn năng lượng sạch và tái tạo bao gồm địa nhiệt nhằm đối phó sự
cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch và giảm phát thải khí gây biến đổi khí hậu,
tác động môi trường của các nguồn năng lượng truyền thống. Ở Việt Nam có những
tiền đề về năng lượng địa nhiệt. Mục tiêu nhóm nghiên cứu đặt ra khi triển khai
Đề tài đó là đánh giá được quy luật hình thành, sự phân bố các nguồn địa nhiệt ở
Việt Nam; lựa chọn được hệ phương pháp điều tra đánh giá một số nguồn địa nhiệt
tiềm năng. Trên cơ sở đó, Đề tài sẽ đưa ra một số giải pháp công nghệ, triển
khai một số mô hình thử nghiệm thích hợp để đánh giá hiệu quả kinh tế - kỹ thuật
khai thác sử dụng năng lượng địa nhiệt.
Sau 3 năm thực hiện (2012-2015) Đề tài đã nghiên cứu cập
nhật vấn đề khoa học thực tiễn đang được quan tâm trên thế giới đó là phát triển
nguồn năng lượng sạch tái tạo cho phát triển bền vững và tiếp thu các công nghệ
hiện đại trên thế giới, triển khai bằng năng lực trong nước cho giải quyết nhiệm
vụ thành công làm cơ sở cho tiếp tục triển khai áp dụng vào thực tế khai thác sử
dụng năng lượng địa nhiệt ở Việt Nam. Đề tài đã cung cấp cơ sở dữ liệu tin cậy
cho đề xuất đầu tư thí điểm phát điện bồn địa nhiệt Bang, cho phổ biến áp dụng
công nghệ bơm nhiệt đất điều hòa không khí là cơ sở phát triển nguồn năng
lượng sạch tái tạo, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
|
Toàn
cảnh buổi nghiệm thu |
Cụ thể, Đề tài đã xác lập được quy luật hình thành và đặc
điểm phân bố các nguồn địa nhiệt ở Việt Nam từ phân tích đặc tính địa hóa các
nguồn xuất lộ nước nóng, điều kiện địa chất - địa tầng, hoạt động magma, vận động
kiến tạo ở các vùng miền, chế độ địa nhiệt khu vực. Phần lãnh thổ Miền Trung có
những chỉ thị và điều kiện tồn tại các bồn nhiệt tiềm năng phát điện giúp định
hướng và đầu tư hợp lý đánh giá khả năng phát triển năng lượng địa nhiệt ở Việt
Nam. Hệ phương pháp lựa chọn áp dụng với các thiết bị hiện đại thuê của nước
ngoài được triển khai thí điểm tại khu vực địa nhiệt triển vọng Bang (Quảng
Bình) và Đa Krông (Quảng Trị) đã có hiệu quả xác định vị trí phân bố, tham số
và công suất phát điện tiềm năng của một bồn thủy địa nhiệt nguồn gốc magma điển
hình ở khu vực nguồn nước nóng Bang, là cơ sở dữ liệu tin cậy cho kiến nghị đầu
tư giai đoạn tiếp theo khoan thí nghiệm và xây dựng thí điểm nhà máy điện địa
nhiệt tại đây. Quy trình, thiết bị và hệ phương pháp đã lựa chọn, kinh nghiệm
triển khai là công nghệ thích hợp để tiếp tục áp dụng khảo sát các nguồn địa
nhiệt triển vọng khác phục vụ phát triển nguồn năng lượng sạch ở Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất khai thác thí điểm phát
điện bồn địa nhiệt ở Bang bằng công nghệ hai chu kỳ Kalina, với các luận cứ
kinh tế - kỹ thuật cho nhà máy dự kiến công suất 3 – 4 MW, sản lượng điện 1 năm
18 – 24 triệu kWh góp phần phát triển kinh tế địa phương và năng lượng sạch ở
Việt Nam. Kết quả nghiên cứu công nghệ, triển khai, vận hành mô hình thử nghiệm
sử dụng bơm nhiệt đất điều hòa không khí tại Hà Nội đã đánh giá được hiệu quả
tiết kiệm năng lượng, chi phí đầu tư,… cơ sở cho đề xuất giải pháp công nghệ,
luận cứ kinh tế để phổ biến áp dụng vào thực tế ở Việt Nam trong lĩnh vực điều
hòa không khí tiêu hao năng lượng lớn như trung tâm thương mại, khách sạn, kho
bảo quản nông sản, thủy sản…
Với những kết quả Đề tài đạt được, Hội đồng nghiệm thu cấp
Nhà nước đã đánh giá Đề tài đạt loại Khá.
www.truyenthongkhoahoc.vn(lntrang)