Triển khai đồng bộ hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng
Hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó có thể kể đến như: các văn bản pháp luật về TĐC, hỗ trợ hoạt động nâng cao năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp, thanh kiểm tra hoạt động xăng dầu tại một số tỉnh, thành phố…
Lực
lượng chức năng thanh kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa
Để làm rõ hơn nữa những đóng góp của hoạt độngTĐC thời
gian qua, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng Tổng
cục TĐC (Bộ KH&CN) về những thành tựu và dự định của ngành trong thời gian
tới.
PV: Ông có thể cho biết những thành tựu
nổi bật về lĩnh vực TĐC thời gian qua?
- Ông Trần Văn Vinh: Thành tựu nổi bật nhất thời gian qua
đó là cơ sở pháp luật về TĐC cơ bản đã được xây dựng và đang được tiếp tục hoàn
thiện phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội trong giai đoạn hội nhập
kinh tế thế giới của nước ta hiện nay. Trong đó Luật Tiêu chuẩn
và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường được
coi là “ba trụ cột” quan trọng, thúc đẩy các hoạt động công bố, đánh giá sự phù
hợp, kiểm định, hiệu chuẩn phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển của
cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, hệ thống văn bản pháp luật về TĐC tiếp tục được
hoàn thiện, phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội, phục vụ hiệu quả cho
xu hướng hội nhập sâu và rộng với kinh tế thế giới của Việt Nam trong thời gian
qua. Các Luật trên đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự đổi mới trong
tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của các cơ quan TĐC, tăng cường tính
tự chủ và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động TĐC và phù hợp với
thông lệ quốc tế.
Về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: hệ thống tiêu chuẩn quốc
gia (TCVN) đã công bố được hơn 10.000 TCVN trong tổng số hơn 8.600 TCVN đang có
hiệu lực, tỷ lệ hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế đạt trên 45 %.
Về đo lường, 23 chuẩn đo lường quốc gia đã và đang được
thiết lập, phê duyệt làm cơ sở pháp lý kỹ thuật bảo đảm tính chính xác, thống
nhất của hoạt động đo lường trên cả nước; duy trì, bảo quản và khai thác tốt
các chuẩn và trang thiết bị chuẩn hiện có,…
Về quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp: Luật Chất
lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản hướng dẫn được ban hành đã định hướng tập
trung quản lý chất lượng sản phẩm có khả năng gây mất an toàn; phân định trách
nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có sự phát triển mạnh mẽ về tổ
chức đánh giá sự phù hợp trong ASEAN.
PV: Trong bối cảnh hội
nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệt là hàng loạt các Hiệp định sẽ được thực thi
như: TPP, FTA,… vấn đề năng suất chất lượng (NSCL) là một trong những vấn đề đang
được xã hội rất quan tâm. Tổng Cục TĐC đã có những triển khai cụ thể nào thưa
ông?
- Ông Trần Văn Vinh: Tổng cục TĐC là thành viên của
14 tổ chức quốc tế (ISO, IEC, PASC, CGPM, OIML, APMP, APLMF, APO, APQO, GS1,
ACCSQ, APEC/SCSC, ASEM, WTO/TBT) và tích cực tham gia đàm phán Hiệp định TPP,
FTA... Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, chất lượng sản phẩm, hàng hoá
và dịch vụ sẽ giữ vai trò quan trọng hàng đầu.
Thời gian qua, Tổng cục TĐC đã tập trung triển khai thực
hiện các nhiệm vụ quan trọng gồm: Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn
2011- 2020 (lĩnh vực TĐC), trong đó tập trung vào các nhiệm vụ nhằm hỗ trợ về
quản lý và kỹ thuật cho hoạt động nâng cao NSCL; Triển khai thực hiện Giai đoạn
II (2016-2020) Chương trình Quốc gia “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa của
doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Hiện nay, việc nâng cao NSCL là vấn đề sống còn của doanh
nghiệp (DN), tuy nhiên, vai trò của nhà nước chỉ mang tính “hỗ trợ”, tạo nền tảng
ban đầu cho các DN. Do vậy, các DN Việt Nam cần chủ động, tích cực học hỏi, thực
hiện có hiệu quả các dự án cải tiến NSCL; xây dựng, áp dụng thực chất các công
cụ cải tiến NSCL tránh tình trạng áp dụng hình thức như ở 1 số DN hiện nay.
PV: Ngoài vấn đề về nâng
cao NSCL, hoạt động thanh kiểm tra xăng dầu cũng thu hút sự quan tâm của cộng đồng,
tiêu biểu như ở tỉnh Đồng Nai, Nghệ An,.... Đây có phải là mô hình cần nhân rộng
và Tổng cục đã có những hỗ trợ cụ thể nào?
- Ông Trần Văn Vinh: Hoạt động thanh tra, kiểm tra về
đo lường, chất lượng, đặc biệt là việc triển khai công tác kiểm tra đặc thù
trong kinh doanh xăng dầu đã được tăng cường và có hiệu quả hơn so với thời
gian trước đây. Qua kiểm tra đã thực hiện xử lý tạm dừng lưu thông các lô xăng
dầu không đạt chất lượng, chuyển hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính, theo quy
định của pháp luật.
Ngoài hai tỉnh Đồng Nai, Nghệ An, các địa phương khác
đang tích cực trong việc triển khai thực hiện thanh kiểm tra đo lường, chất lượng
tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là thực hiện việc kiểm tra đặc thù.
Tổng Cục đã tham mưu cho Bộ KH&CN chỉ đạo Sở KH&CN các địa phương học tập
kinh nghiệm của Đồng Nai, Nghệ An, đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia có văn bản chỉ đạo các Bộ,
ngành và UBND các địa phương chủ động, phối hợp tăng cường thanh tra, xử lý
nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng trong kinh
doanh xăng dầu.
Trên cở sở các kết quả đã đạt được, Tổng Cục đã báo cáo
Lãnh đạo Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ khen thưởng kịp thời đối với
các cá nhân xuất sắc, đặc biệt là Sở KH&CN của tỉnh Đồng Nai, Nghệ An cũng
như nhân rộng mô hình trên cả nước.
PV: Trong quá trình
thanh tra xăng dầu Tổng Cục đã gặp những khó khăn vướng mắc gì?
- Ông Trần Văn Vinh: Khó khăn trong thanh, kiểm tra xử lý
lĩnh vực xăng dầu là có sự chồng chéo về xử lý vi phạm hành chính giữa Nghị định
97/2013/NĐ-CP và Nghị định 80/2013/NĐ-CP đối với đo lường, chất lượng xăng dầu.
Cần sớm thống nhất theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì xử lý vi
phạm hành chính trong lĩnh vực TCĐLCL sử dụng Nghị định 80/2013/NĐ-CP.
Các lực lượng kiểm tra chất lượng của Cục Quản lý
Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Chi cục TĐC hiện nay không có thẩm quyền xử
phạt vi phạm hành chính để chủ động xử lý trong quá trình kiểm tra, nâng cao
hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra. Bên cạnh đó, đội ngũ kiểm soát viên quá mỏng
để thực thi công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa.
PV: Những giải
pháp đồng bộ, cụ thể nào sẽ tiếp tục được triển khai?
- Ông Trần Văn Vinh: Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ,
Tổng cục TĐC tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể: rà soát kiến
nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật để
đáp ứng với tình hình hội nhập kinh tế quốc tế như: Nghị định số
132/2008/NĐ-CP, Nghị định 89/2006/NĐ- CP,...
Bên cạnh việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra,
giám sát tình hình chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hàng đóng gói sẵn trên toàn
quốc để thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Tổng Cục đẩy mạnh hoạt động năng suất chất lượng, giải
thưởng chất lượng quốc gia để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng những hệ
thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến NSCL giúp doanh nghiệp nâng cao năng
suất lao động, giảm chi phí.
Đồng thời tăng cường hoạt động cảnh báo và đề xuất với
các Bộ, ngành xây dựng các biện pháp phòng vệ liên quan tới hàng rào kỹ thuật
trong thương mại (TBT) để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc
tế.
PV: Trân trọng cám ơn
ông!
www.truyenthongkhoahoc.vn(lntrang)