Phòng vệ thương mại: Thua vì không dám đấu tranh?
Liên quan đến việc thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (QLCT), Bộ Công Thương cho biết, có lúc chúng ta có thành tích, nhưng đa phần chịu trận là chính.
Dẫn những thành tích năm
2015, ông Nam cho biết năm qua Việt Nam đã đấu tranh thành công để Australia
không áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép của Việt Nam, đồng
thời loại bỏ máy biến thế điện của Việt Nam ra khỏi danh sách kiện PVTM; hay
như đã đấu tranh thành công với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc XK vào nước này dòng điện
thoại thông minh...
“Hiện nay Trung Quốc là
nước lớn nhất XK mặt hàng này vào Thổ Nhĩ Kỳ (kim ngạch XK 1,2 tỷ USD), Việt
Nam đứng thứ 2 (kim ngạch đạt 900 triệu USD). Nếu họ áp dụng
biện pháp tự vệ đánh vào sản phẩm này thì ta mất toàn bộ thị trường này vì mức
thuế NK họ định đánh vào sản phẩm từ Việt Nam là 46%”, ông Nam thông tin thêm.
Nói về những thất bại
trong việc đấu tranh với các biện pháp PVTM từ các nước, về nguyên nhân, ông
Nam cho rằng là do chúng ta tự ti không thể thắng nên đã không dám đấu tranh.
Điều này xuất phát từ nhận thức không đầy đủ, buông xuôi, dẫn đến DN, ngành
hàng đó bị thiệt thân và mất thị trường.
Nói về những khó khăn
trong thời gian tới, đại diện Cục QLCT cho rằng, hiện nay, trong WTO chúng ta
chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, Hoa Kỳ và EU cũng chưa
công nhận điều đó, và nếu các thị trường này khởi xướng chống trợ cấp, họ sẽ
không dùng số liệu của chúng ta đưa ra mà dùng số liệu của một nước khác (được
cho là tương đồng) để áp dụng, từ đó đưa ra biên độ CBPG rất cao, dẫn tới chúng
ta mất thị trường, điều này rất nguy hiểm.
Nhấn mạnh tầm quan trọng
của sự quyết tâm, đồng lòng của các DN trong quá trình thực hiện PVTM, theo ông
Nam, chúng ta cần phải rất quyết tâm và đoàn kết.
“DN đừng ngần ngại, đừng
nghĩ rằng lửa chưa cháy đến nhà tôi thì tôi không quan tâm. Khi các DN XK bị
nước ngoài áp dụng biện pháp PVTM, cần phải có tinh thần hợp tác cao, không
được tránh né. Đây là lĩnh vực khó, vì thế phải xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp
để sẵn sàng chuẩn bị kế hoạch, đương đầu với cơ quan điều tra, bằng cách chuẩn
hóa các số liệu để bảo vệ sản xuất của ngành mình”, ông Nguyễn Phương Nam
khuyến nghị.