Bản đồ đầu tư AEC trong năm 2016: Việt Nam “nằm” ở đâu?
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào ngày 31/12/2015 với mục tiêu tạo ra một khu vực kinh tế thịnh vượng, ổn định và có tính cạnh tranh cao. VN trong tâm điểm nền kinh tế thứ 4 tương lai, được các nhà đầu tư đánh giá như thế nào về các cơ hội rót vốn năm nay?
Hiện AEC là nền
kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới với quy mô GDP gần 3 nghìn tỷ USD hiện nay và
dự kiến đạt 4,7 nghìn tỉ USD vào năm 2020. DĐDN xin giới thiệu bài viết của TS
Đinh Thế Hiển về xu hướng đầu tư trong AEC cũng như những cơ hội, lợi thế, các
giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh giúp VN thu hút mạnh nguồn vốn đầu
tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong năm 2016.
Vùng
trũng vốn từ các nước phát triển và ASEAN
Năm 2015, theo
thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, VN đã thu hút được 22,76 tỷ USD vốn đầu tư,
tăng 12,7% so với năm 2014 và cao nhất trong 5 năm qua. Dự báo của các tổ chức
kinh tế tài chính quốc tế, trong sự chuyển động mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu
sau cái Tết Âm lịch của các quốc gia khu vực Đông Nam Á cho thấy, xu thế tăng
thu hút vốn, không chỉ từ triển vọng các lĩnh vực mới mà còn từ các nguồn vốn
đầu tư mới sẽ tiếp tục là điểm sáng của VN.
Có rất nhiều lí do
cho điều đó. Tuy nhiên, điểm sáng nhất cần đề cập tới là khả năng bên cạnh xu
thế tăng vốn, VN cũng đang có sự dịch chuyển rõ rệt về cơ cấu vốn đầu tư vào
các lĩnh vực.
Hiện nay, FDI vào
VN chủ yếu tập trung vào các ngành chế biến chế tạo, bất động sản, các ngành
sản xuất và phân phối điện. Trên cơ sở đó và sự dịch chuyển gần đây, vốn đầu tư
vào VN đang dần hướng tới việc mở rộng thị trường tiêu thụ, thị trường nguyên
liệu sản xuất, cũng như cơ hội nhận thêm ưu đãi khi đầu tư vào 12 lĩnh vực ưu
tiên hội nhập của ASEAN. Ngoài ra, sự hấp dẫn của VN còn mang tính địa kinh tế
khu vực khi các nhà đầu tư mong muốn từ “bàn đạp” VN sẽ đưa hàng hóa ở quốc gia
công xưởng mới này thâm nhập vào 12 thị trường của Hiệp định Đối tác xuyên Thái
Bình Dương – TPP. 12 lĩnh vực được nhắc tới là sản phẩm từ nông nghiệp, vận tải
hàng không, ô tô, điện tử, thủy sản, y tế, các sản phẩm cao su, dệt may, du
lịch, các sản phẩm gỗ, dịch vụ logistics, chế biến thực phẩm, nông – lâm sản.
Nếu trước đây các nguồn vốn đến từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, EU,
Hàn quốc thì hiện nay chính trong các nước ASEAN cũng tham gia mạnh vào VN.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (FIA), trong 11 tháng năm 2015, đã có bảy quốc gia
trong khu vực Asean có đầu tư FDI vào VN là Malaysia, Singapore, Thái Lan,
Brunei, Indonesia, Philippine và Lào. Các nước Asean đã có 197 dự án cấp mới
với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các nước khu vực Asean 11 tháng
năm 2015 đạt gần 4 tỉ USD. Trong đó, đứng đầu là Malaysia với 22 dự án cấp mới
(2,4 tỉ USD vốn đăng ký cấp mới) và 16 lượt dự án tăng thêm (91 triệu USD vốn
đăng ký tăng thêm) và tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,5 tỉ USD. Lĩnh
vực thu hút được nhiều dự án của nhà đầu tư Asean là công nghiệp chế biến, chế
tạo, tiếp đến là dệt may và bất động sản.
Quốc
gia nào sẽ cạnh tranh với VN?
ASEAN hiện đang là
tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, do vậy VN sẽ vừa có khả năng thu
hút vốn nước ngoài từ hiệu ứng chung của khu vực, vừa có khả năng gặp cạnh
tranh mạnh ở các nước do có khá nhiều nét tương đồng về lợi thế cạnh tranh.
Quốc gia có thể
cạnh tranh về thu hút vốn đầu tư của VN và có lợi thế trên bản đồ AEC đầu tiên
là Indonesia, với hơn 250 triệu dân. Trong 9 tháng đầu năm 2015, đầu tư trực
tiếp nước ngoài vào Indonesia đạt 21,3 tỉ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ 2014.
Các nước châu Á vẫn chiếm đến 52% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào
Indonesia, dẫn đầu là Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Hiện nay, Indonesia được xem là còn kém VN về trình độ lao động cũng như độ ổn
định môi trường. Tuy nhiên, các yếu tố này có thể sẽ được khắc phục nhanh,
trong khi đó với số dân gấp 2,5 lần VN, cùng diện tích lớn và tài nguyên nguyên
sơ dồi dào sẽ là điểm thu hút mạnh với nhà đầu tư…
Philippines cũng
được nhận diện là quốc gia có khả năng cạnh tranh mạnh với VN do có lực lượng
lao động chất lượng cao và có khả năng giao tiếp tiếng Anh rất tốt. Ngoài ra
chi phí trả cho lương công nhân, nhà ở và thực phẩm khá thấp… Môi trường chính
sách kinh doanh thân thiện với nhiều lĩnh vực cho phép 100% sở hữu nước ngoài,
đặc biệt là một lợi thế về độ cởi mở. Cùng với đó Philippines có vị trí địa lý
chiến lược là cửa ngõ của khu vực kinh tế Đông Á với nhiều sân bay và cảng biển
thuận lợi cho kinh doanh. Hiện chính phủ Philippines đang nỗ lực xúc tiến đầu
tư vào các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp hàng hải, đóng tàu, đánh bắt thủy
sản, du lịch, công nghiệp điện tử, khai thác mỏ.
Trong khi đó trước
đây Myanmar không phải là quốc gia hấp dẫn vốn đầu tư quốc tế do nền kinh tế
khá khép kín, môi trường bất ổn và sức tiêu thụ nội địa thấp. Tuy nhiên với
chính sách cải cách mới, nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh theo hướng thị trường
sẽ hứa hẹn một thị trường lớn với dân số gần 65 triệu dân. Ngoài ra chi phí lương
thấp, rất nhiều ngành cần đầu tư như hạ tầng, viễn thông, bất động sản, khai
thác khoáng sản, lâm sản, chế biến nông, lâm, thủy sản,.. Do vậy đây là một
quốc gia có khả năng cạnh tranh với VN trong việc thu hút vốn đầu tư trong giai
đoạn sắp tới. Cuối cùng là Thái Lan với cương vị là nền kinh tế lớn trong khu
vực, hiện vẫn là một trong nước thu hút vốn FDI hàng đầu ở Đông Nam Á. Thái Lan
cũng có lực lượng lao động được đào tạo tốt hơn so với các nước láng giềng. Tuy
nhiên, tình hình chính trị bất ổn kéo dài từ cuối năm 2013 đã gây thiệt hại
đáng kể cho môi trường đầu tư của nước này. Với các quốc gia nêu trên, VN hiện
vẫn có một số lợi thế nhất định trong cạnh tranh thu hút FDI như môi trường xã
hội, an ninh ổn định, lực lượng lao động có tay nghề với chi phí khá thấp, hạ
tầng đang được đầu tư khá tốt như năng lượng, cảng, đường giao thông; có thị
trường tiêu thụ lớn; VN cũng đang hội nhập sâu rộng và là thành viên của nhiều
hiệp định thương mại song phương lẫn đa phương. Tuy nhiên, những lợi thế đó chỉ
mang tính tương đối mà các nước như Indonesia, Philippines cũng đang tích cực
cải thiện. Do vậy, VN vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện với các quốc gia
trong khu vực để giữ vững vị trí tâm điểm – vùng trũng và cũng là một trong
những trụ cột của AEC.
Ba
thách thức nội tại lớn của VN cần vượt qua
Như đã nêu, bên
cạnh thành tựu đã đạt được thì nền kinh tế VN còn nhiều vấn đề cần phải giải
quyết dứt điểm nếu không muốn bị tụt lại phía sau như năng lực cạnh tranh của
quốc gia còn thấp, nhất là về thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng và đổi mới công
nghệ. Hiện nay chi phí vận chuyển tại VN còn cao so với khu vực, các thủ tục
hành chính trong việc cấp phép đầu tư, quản lý sản xuất kinh doanh của các cơ
quan chức năng vẫn đang làm tốn kém thời gian kinh doanh của DN hơn mức cần
thiết. Đầu năm mới, cũng cần phải nhìn nhận thẳng, thật là năng lưc cạnh tranh
của DN Việt Nam còn thấp, thiếu sáng tạo. Trong lĩnh vực cạnh tranh DN thì quy
mô chủ yếu là nhỏ và vừa, chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, chưa đủ sức
xâm nhập thị trường thế giới, ngoại trừ việc chế biến thô. VN đã xuất hiện một
số DN quy mô lớn, nhưng chủ yếu ở sản xuất chiều rộng, chưa có công nghệ, kỹ
thuật vượt trội, thiếu sản phẩm mới sáng tạo đủ sức dẫn đầu các chuỗi sản xuất
cung ứng cạnh tranh với nước ngoài…
Ngoài ra, chúng ta
nói nhiều đến sức sáng tạo, khéo léo, chăm chỉ của người Việt, nhưng công bằng
thì kỹ năng lao động của công nhân còn nhiều hạn chế, ngoại ngữ, kỹ năng đào
tạo cũng như kỷ luật lao động là những rào cản. Do vậy, cùng với thiết bị còn
lạc hậu, năng suất lao động VN dù liên tục tăng trong thời gian qua nhưng còn
thấp, ở mức trung bình của khối ASEAN, mới tiệm cận các nước Indonesia và
Philippines; chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6 của
Malaysia và bằng 1/3 của Thái.
Tóm lại, cùng với
AEC bắt đầu đi vào hoạt động chính thức từ năm 2016 đã tăng thêm sự hấp dẫn thu
hút vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực vốn đã được xem là hấp dẩn nhất thế giới
hiện nay. Điều này không chỉ giúp VN hút thêm vốn FDI từ các nước phát triển
như hiện nay; mà còn có khả năng thu hút vốn từ các nước trong khu vực để gia
tăng hiệu ứng kết nối từ cộng đồng chung. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế đã
có, VN vẫn rất cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và cải cách thủ tục hành chính để
tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Các DN cũng cần có sự đổi mới theo hướng
chuyên môn hóa, tăng cường kết nối để tăng quy mô và năng lực. Điều này sẽ giúp
cho VN sẽ hưởng được lợi ích thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ việc hình thành
cộng đồng chung AEC. Còn nếu chỉ thụ động chờ vốn rót vào, thì không những VN
không thu hút vốn từ hiệu ứng này, mà còn có thể bị các nước trong khu vực cạnh
tranh thu hút vốn vì có môi trường kinh doanh đầu tư hấp dẫn hơn.