Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật ngành Dệt may
Nhằm thực hiện Đề án “Thực thi Hiệp định hàng rào cản kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 – 2015”, từ tháng 1/2014 đến tháng 12/2015, nhóm nghiên cứu của Viện Dệt may (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) do TS. Nguyễn Văn Thông làm Chủ nhiệm đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ: Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật ngành Dệt may, đáp ứng yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng trong nước.
Hiện nay, ở nước ta, ngành công
nghiệp dệt may có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, không chỉ phục
vụ cho nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng của con người, mà còn giải
quyết việc làm cho xã hội, đóng góp nhiều cho ngân sách quốc gia. Trong xu thế
hội nhập kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại giữa các nước là điều tất yếu.
Thực thi các hiệp định thương mại, hàng rào thuế quan, hạn ngạch giảm dần và
tiến tới xóa bỏ, việc lưu thông hàng hóa trở lên dễ dàng hơn. Do vậy, để đảm
bảo nền sản xuất trong nước và bảo vệ người tiêu dùng, hệ thống các hàng rào kỹ
thuật được các quốc gia sử dụng phổ biến. Trong khi, các sản phẩm dệt may của
Việt Nam phải vất vả đáp ứng các điều kiện khắt khe của các thị trường nhập
khẩu thì nhiều sản phẩm dệt may của các nước cũng được nhập khẩu vào, cạnh
tranh với sản phẩm của dệt may Việt Nam ngay tại thị trường trong nước.
Trước thực trạng
đó, từ tháng 5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Thực thi Hiệp định
hàng rào cản kỹ thuật trong thương mại giai đoạn 2011 – 2015”. Trong đó có nội
dung: Xây dựng và áp dụng cơ chế kiểm soát chất lượng từ xa, nhằm ngăn chặn sự
thâm nhập và lưu thông trên thị trường các hàng hóa nhập khẩu không phù hợp
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, không bảo đảm an toàn, vệ sinh và không rõ
nguồn gốc, xuất xứ… Bộ Công Thương được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành
và địa phương thực hiện. Việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành
Dệt may đã đáp ứng yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng trong nước, mà còn bảo vệ
ngành Dệt may nước nhà.
Theo đó, nhóm đã
tiến hành nghiên cứu xây dựng 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Dệt may, đáp
ứng yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng trong nước gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia
về tên xơ dệt và nhãn thành phần xơ dệt cho sản phẩm dệt may, quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về ghi nhãn hướng dẫn sử dụng cho sản phẩm may mặc.
Cụ thể, xây dựng
được Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhãn thành phần xơ dệt đối với sản
phẩm dệt may; Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhãn hướng dẫn sử dụng đối
với sản phẩm dệt may. Cùng với đó là các dự thảo tiêu chuẩn quốc gia: Vật liệu
dệt- ghi nhãn thành phần xơ dệt đối với sản phẩm dệt may; vật liệu dệt- ghi
nhãn hướng dẫn sử dụng đối với sản phẩm dệt may; vật liệu dệt- hướng dẫn thiết
lập hoặc xác nhận nội dung hướng dẫn sử dụng cho sản phẩm dệt may.
Với nhiệm vụ này,
lần đầu tiên xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ghi nhãn thành
phần xơ dệt cho sản phẩm dệt may; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ghi nhãn hướng
dẫn sử dụng cho sản phẩm may mặc áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất,
nhập khẩu, phân phối, bán lẻ sản phẩm dệt may tại Việt Nam, các cơ quan quản lý
nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đáp ứng yêu cầu bảo vệ người
tiêu dùng trong nước.
“Việc xây dựng các
quy chuẩn kỹ thuật quốc gia ngành Dệt may giúp tăng tính cạnh tranh, minh bạch,
tạo điều kiện phát triển bền vững cho ngành Dệt may Việt Nam; cung cấp công cụ
pháp lý, các chuẩn mực để phục vụ công tác quản lý và thực thi ghi nhãn hàng
thị trường hàng dệt may tại Việt Nam phù hợp với điều kiện trong nước và hài
hòa với các quy định quốc tế, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”