SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Cần thống nhất các quy định về xử phạt trong hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng

[14/03/2016 08:43]

Thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (TCĐLCL) tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng, xăng dầu… Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm hành chính vẫn còn bị “chồng chéo”, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần tiếp tục được hoàn thiện để tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp.

Hiện nay các văn bản pháp luật về TCĐLCL đang tiếp tục được hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế, xã hội. Trong đó Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Đo lường được coi là “ba trụ cột” quan trọng trong các hoạt động về kiểm định, đánh giá. Báo cáo từ Tổng cục TCĐLCL cho thấy, trong năm 2015 đã tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra về đo lường chất lượng trên nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm ở Đồng Nai, Nghệ An... Qua kiểm tra đã thực hiện xử lý tạm dừng lưu thông các lô xăng dầu không đạt chất lượng, chuyển hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính, theo quy định của pháp luật. Tại nhiều địa phương đã đồng loạt triển khai việc thanh tra, kiểm tra đo lường, chất lượng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, nhất là thực hiện việc kiểm tra đặc thù để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Theo Tổng Cục trưởng TCĐLCL Trần Văn Vinh, khó khăn trong thanh tra, kiểm tra xử lý lĩnh vực xăng dầu là có sự chồng chéo về xử lý vi phạm hành chính giữa Nghị định 97/2013/NĐ-CP và Nghị định 80/2013/NĐ-CP đối với đo lường, chất lượng xăng dầu. Các lực lượng kiểm tra chất lượng của Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Chi cục TCĐLCL hiện nay không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để chủ động xử lý trong quá trình kiểm tra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra. Bên cạnh đó, đội ngũ kiểm soát viên chất lượng quá mỏng để thực thi công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cần sớm thống nhất các quy định về xử phạt, tùy từng trường hợp mà áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính, còn với vi phạm trong lĩnh vực TCĐLCL phải áp dụng Nghị định 80/2013/NĐ-CP.

Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ sẽ giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Điều này đòi hỏi hoạt động năng suất và chất lượng phải có những nhận thức mới, có bước đi và biện pháp thích hợp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước để tạo bước đột phá về năng suất - chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế. Thời gian qua, để thực hiện nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011- 2020 trong lĩnh vực TCĐLCL, Tổng cục TCĐLCL đã tập trung vào các nhiệm vụ nhằm hỗ trợ về quản lý và kỹ thuật cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; Triển khai thực hiện giai đoạn II (2016-2020) Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Tổng Cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết, việc nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) là vấn đề sống còn của doanh nghiệp nhưng vai trò của Nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ, tạo nền tảng ban đầu cho các doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tích cực học hỏi, thực hiện có hiệu quả các dự án cải tiến NSCL; xây dựng, áp dụng thực chất các công cụ cải tiến NSCL tránh tình trạng áp dụng hình thức như ở một số doanh nghiệp hiện nay. Đồng thời để bảo đảm cơ sở đánh giá mức độ phù hợp và quy chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng cục TCĐLCL đã từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý. Trong đó, có 23 chuẩn đo lường quốc gia đã và đang được thiết lập, phê duyệt làm cơ sở pháp lý kỹ thuật bảo đảm tính chính xác, thống nhất của hoạt động đo lường trên cả nước; duy trì, bảo quản và khai thác tốt các chuẩn và trang thiết bị chuẩn hiện có; kết quả phép đo được thừa nhận quốc tế trong khuôn khổ thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường CIPM - MRA. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đã công bố được hơn mười nghìn TCVN, trong tổng số hơn 8.600 TCVN đang có hiệu lực, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt hơn 45%. Nhất là đối với việc quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp đã ban hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp việc định hướng cho quản lý chất lượng sản phẩm có khả năng gây mất an toàn; phân định trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa giữa các bộ quản lý, ngành, lĩnh vực; hệ thống tổ chức đánh giá sự phù hợp được mở rộng, chất lượng được nâng lên theo các thông lệ quốc tế. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có sự phát triển mạnh mẽ về tổ chức đánh giá sự phù hợp trong ASEAN.

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Cục trưởng Trần Văn Vinh cho rằng, các cấp, các ngành có liên quan cần tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tiếp tục chú trọng kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực TCĐLCL; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, thống nhất các quy định về xử phạt những sai phạm về đo lường chất lượng, tập trung ở những lĩnh vực nổi cộm như kinh doanh xăng dầu, hàng giả, hàng kém chất lượng...; đẩy mạnh hoạt động năng suất chất lượng, giải thưởng chất lượng quốc gia để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng những hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến NSCL giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí. Có như vậy thì mới bảo đảm được chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao NSCL, tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.

nhandan.com.vn(ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ