Nhiều kỹ thuật giải phẫu của Việt Nam đạt trình độ thế giới
GS. TS Phạm Gia Khánh chủ nhiệm chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước lĩnh vực Y dược KC.10/11-15 cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, các đề tài, dự án thuộc chương trình đã ứng dụng, phát triển thành công các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong đó có nhiều kỹ thuật trong lĩnh vực Y học như kỹ thuật ghép tạng, kỹ thuật nội soi, kỹ thuật can thiệp mạch đã đạt tới trình độ thế giới.
GS.
TS Phạm Gia Khánh chủ nhiệm chương trình KC.10/11-15. Ảnh: Lê Loan
Tại buổi lễ tổng kết và gặp mặt báo chí công bố kết quả
Chương trình KC.10/11-15 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến
phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” tại Học viện Quân y chiều 11/3,
GS. TS Phạm Gia Khánh, chủ nhiệm chương trình cho biết, những tiến bộ của
KH&CN thế giới đã được đưa vào ứng dụng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức
khỏe cộng đồng. Đặc biệt trong lĩnh vực Y học, các nhà nghiên cứu, bác sỹ có điều
kiện nghiên cứu về các kỹ thuật tiên tiến mà thế giới đang áp dụng để xây dựng
và chuẩn hóa các quy trình, kỹ thuật ở trình độ cao như kỹ thuật ghép tạng từ
người cho chết não, tim ngừng đập, phẫu thuật nội soi với kỹ thuật qua lỗ tự
nhiên, kỹ thuật can thiệp mạch bằng X quang (phẫu thuật không dao), phẫu thuật
ít xâm lấn… Trong chuyên khoa ghép tạng, Việt Nam tụt hậu so với thế giới 50
năm nhưng thông qua chương trình, đội ngũ cán bộ, bác sỹ Việt Nam đã nỗ lực từng
bước học hỏi và bắt kịp với trình độ ghép tạng của đồng nghiệp quốc tế. Ví dụ từ
đề tài “Nghiên cứu triển khai ghép đồng thời tụy thận từ người cho chết não”,
PGS. TS Hoàng Mạnh An và cộng sự tại Học viện Quân y trong vòng hai năm đã xây
dựng được mô hình tổ chức ghép, xây dựng quy trình lựa chọn, chăm sóc, hồi sức,
điều trị sau ghép, kỹ thuật ghép… Ca mổ đầu tiên mà nhóm nghiên cứu thực hiện
được áp dụng thành công tại bệnh viện Quân y 103, đem lại sự đột phá cho y học
Việt Nam trong chuyên khoa ghép tạng. Từ đề tài, các quy trình kỹ thuật được
chuẩn hóa về ghép đồng thời tụy và tạng đều có thể chuyển giao thực hiện tại
các cơ sở y tế có đủ điều kiện về lấy ghép mô tạng, trang thiết bị, trình độ phẫu
thuật viên…
Nhiều thành tựu từ các đề tài, dự án của chương trình đã
được áp dụng ngay vào thực tế khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Nhiều sản phẩm có sức lan tỏa trong xã hội và được đánh giá cao như sản xuất
thành công vắc xin rota phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em (đoạt giải thưởng
Kovalevskaia), phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý tuyến giáp (đoạt giải
thưởng Nhân tài Đất Việt), ghép thận từ người cho tim ngừng đập… Việc áp dụng
những thành tựu này góp phần giảm chi phí, giảm thời gian điều trị, góp phần tạo
điều kiện cho người bệnh được thụ hưởng những kỹ thuật khám chữa bệnh tiên tiến
ngay tại trong nước, ví dụ với việc nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin
Rota, Việt Nam không chỉ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới làm chủ công
nghệ điều chế loại vắc xin này mà còn giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước hàng
nghìn tỷ đồng mỗi năm do không phải nhập ngoại để phục vụ chương trình tiêm chủng
mở rộng quốc gia.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc,
Chương trình KC.10/11-15 không chỉ góp phần đưa những tiến bộ của KH&CN thế
giới vào ứng dụng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy
quá trình hội nhập quốc tế trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành của Y dược Việt
Nam mà còn khẳng định vai trò quan trọng của KH&CN đối với đời sống xã hội.
Đây là lý do để Chương trình được tôn vinh là một trong 10 sự kiện KH&CN
tiêu biểu của Việt Nam năm 2015. Để Chương trình tiếp tục phát huy được những
thành tựu của mình trong giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&CN và Bộ Y tế sẽ có họp
bàn nhằm xác định khung chương trình chuẩn xác, có thể thực hiện được những nhiệm
vụ ở quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, những đổi mới về về cơ chế tài chính trong
nghiệm thu, xét duyệt đề tài sử dụng ngân sách nhà nước sẽ đem lại sự thông
thoáng và thuận lợi cho các nhà nghiên cứu khi triển khai thực hiện đề tài.
Nhận xét về hiệu quả quản lý từ Chương trình, ông Nguyễn
Thiện Thành, giám đốc Các chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước, Bộ
KH&CN cho rằng, có ba bài học kinh nghiệm chính được rút ra: 1. Lựa chọn được
những vấn đề từ thực tế; 2. Ban chủ nhiệm chương trình phải gồm những người có
uy tín, có trách nhiệm; 3. Xác định được những người tâm huyết và đam mê thực
hiện đề tài.