Xây dựng thành công quy trình sản xuất protease HIV-1 tái tổ hợp và quy trình sàng lọc các hoạt chất ức chế protease HIV-1 có nguồn gốc từ thảo dược Việt Nam
Đây là một trong các kết quả chính của Đề tài: "Nghiên cứu các chất ức chế protease của HIV nhằm phát triển thuốc điều trị AIDS" (mã số: ĐT-PTNTĐ.2012-G/02) do PGS.TS. Bùi Phương Thuận, Phòng thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Protein và Enzym, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng cộng sự thực hiện.
Đề tài thuộc Đề tài độc lập cấp Nhà nước giao cho các
phòng Thí nghiệm Trọng điểm. Đề tài đã được Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp
Nhà nước nghiệm thu ngày 12/04/2016.
Protease của HIV-1 là một enzyme quan trọng trong liệu
pháp kháng Retrovirus (ARV) cho điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Quy trình
sản xuất và chế phẩm protease HIV-1 tái tổ hợp với gen mã hoá của
chủng virus HIV-1 gây bệnh chủ yếu ở Việt Nam sẽ giúp các nhà nghiên
cứu trong nước chủ động nguồn enzyme cho sàng lọc các chất ức chế
protease của HIV. Chế phẩm protease tạo ra có độ tinh sạch cao (>98% bằng
SDS-PAGE) mức độ hoạt động tương đương với các chế phẩm thương
mại uy tín trên thế giới (40 pmol/phút/µg), vì vậy sản phẩm có thể được
thương mại hóa. Quy trình sản xuất protease HIV-1 cũng có thể áp dụng
để sản xuất các protease đặc hiệu cao của các virus gây bệnh khác. Triển
khai từ tháng 12/2012 đến nay, Đề tài cũng đã xây dựng được thành công quy
trình sàng lọc các chất ức chế protease HIV-1 có nguồn gốc từ thực vật Việt
Nam. Trên cơ sở sử dụng các quy trình thiết lập, 03 hoạt chất acid maslinic,
acid ursolic và acid 24-hydroxyursolic đã được tinh sạch từ các cây thực vật
phổ biến của Việt Nam: lá cây Gối hạc (Leea rubra Blume.), cây Ổi
(Psidium guajava L.) và cây Hồng (Diospyros kaki T.) có hoạt tính ức chế
mạnh protease HIV-1, là cơ sở để phát triển thuốc điều trị AIDS. Qua đó
Đề tài cũng góp phần nâng cao hiểu biết về bệnh AIDS- một trong những
bệnh truyền nhiễm, nan y hiện đang rất phổ biến trong nước và thế
giới.
Cùng với đó, các kết quả nghiên cứu của đề tài đã được
công bố trong 01 bài báo tạp chí quốc tế danh mục ISI (IF 1,695), 04
bài báo trên tạp chí chuyên ngành và 01 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở
hữu trí tuệ. Các cán bộ tham gia đề tài đã đào tạo được 08 cử nhân và
02 thạc sĩ, hỗ trợ 01 nghiên cứu sinh theo hướng nghiên cứu của đề tài.
Có thể nói, Đề tài đã thực hiện đúng và hoàn thành các
mục tiêu, nội dung và các sản phẩm (số lượng và chất lượng), tiếp cận
và thực hiện các kỹ thuật hiện đại trong nghiên cứu protein/enzyme.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và kiến nghị
Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện để nhóm nghiên cứu được tiếp tục phát
triển theo hướng hoàn thiện sản phẩm và có thể được thẩm định giai đoạn tiếp
theo trong quy trình sản xuất thuốc gây ức chế protease HIV-1.