Nghiên cứu hoàn thiện quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) áp dụng cho cây cà phê
Các nhà khoa học Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã nghiên cứu hoàn thiện thành công các quy trình đồng bộ và cụ thể trên các vùng sinh thái khác nhau, giúp tăng năng suất và tăng hiệu quả kinh tế cây cà phê, một trong những cây trồng chủ lực của Việt Nam hiện nay.
Nhóm
nghiên cứu theo dõi tốc độ sinh trưởng của cây cà phê
Đây là kết quả của đề tài "Nghiên cứu hoàn thiện quy
trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) áp dụng cho cây cà phê", mã số:
KC.06.19/11-15 do TS. Nguyễn Văn Báu và cộng sự thực hiện.
Theo TS. Nguyễn Văn Báu, đề tài triển khai nhằm hoàn thiện
quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) cho cà phê vối giống chọn lọc, cà
phê vối giống đại trà và cà phê chè trên các vùng sinh thái khác nhau. Đề tài
cũng xác định mục tiêu xây dựng 6 mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trên
cà phê (3 mô hình cà phê vối, 3 mô hình cà phê chè), hiệu quả kinh tế tăng
10-15%, quy mô: 5 ha/mô hình.
Bên cạnh đó, các thí nghiệm hoàn thiện quy trình quản lý
dinh dưỡng tổng hợp, quản lý nước tưới tổng hợp và quản lý dịch hại tổng hợp
cho thấy, mặc dù mức tăng năng suất không nhiều so với đối chứng nhưng hiệu quả
kinh tế của các thí nghiệm đều đạt hơn 10%.
Đánh giá cao kết quả của đề tài, GS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ
tịch hội đồng nghiệm thu cho rằng, đề tài đã đưa ra nguyên tắc và định hướng
cho các biện pháp ICM áp dụng cho cây cà phê ở Việt Nam bao gồm các vấn về đề
dinh dưỡng, tưới nước và phòng trừ dịch hại, đồng thời với việc đề xuất lượng
hóa chất đầu hợp lý, tăng cường sử dụng các giải pháp sinh học, áp dụng các kỹ
thuật mới như tưới nước tiết kiệm và bón phân qua nước.
“Mô hình ICM tổng hợp áp dụng cho cây cà phê, các kết quả
cho thấy mức tăng năng suất ở các mô hình áp dụng ICM cao hơn khoảng 10% so với
các vườn đối chứng trong khi mức tăng hiệu quả kinh tế là 20-30%”, GS. Nguyễn Hồng
Sơn nhận định.
Đề tài vừa được nghiệm thu cấp nhà nước ngày 09/4/2016 vừa
qua tại Hà Nội. Hội đồng nghiệm đánh giá đề tài xếp loại Khá.