Xâm nhập vào hệ thống phân phối nước ngoài, hàng Việt có cơ hội quảng bá, khẳng định thương hiệu và gia tăng xuất khẩu… Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản bởi tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, môi trường, xuất xứ… ngày càng khắt khe hơn.
Quy chuẩn chặt chẽ
Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, nhiều hiệp định thương mại
tự do thế hệ mới được ký kết, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều được giảm thuế
và giảm rất sâu, nhiều mặt hàng về 0%. Đó là một thuận lợi cho doanh nghiệp
(DN) Việt có thêm cơ hội để xuất khẩu hàng hóa và đặt chân vào các siêu thị ở
các nước trên thế giới. Tuy nhiên, yêu cầu của các quốc gia rất nghiêm ngặt đối
với vấn đề xuất xứ, chất lượng sản phẩm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm…
Tại buổi tọa đàm “Hàng Việt tìm đường vào hệ thống phân phối
nước ngoài” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Jacques Fourvel - Cố vấn Tập đoàn
Casino (Pháp) - chia sẻ: Tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, môi trường
của các nước thuộc Liên minh châu Âu ngày càng khắt khe hơn. Vì vậy, các nhà
cung cấp của Việt Nam cần am hiểu cặn kẽ pháp luật, phải nắm thật rõ quy chuẩn
hàng hóa… khi xuất hàng vào thị trường châu Âu.
Dù vậy, ông Jacques Fourvel cũng cho rằng, nếu DN Việt đưa
được hàng hóa sang thị trường châu Âu thì cơ hội mở rộng sang các thị trường
khác rất lớn. “Để có thể đáp ứng được những yêu cầu đó, yếu tố chất lượng nguồn
nhân lực và công nghệ sẽ là then chốt” - ông Jacques Fourvel nhấn mạnh.
Là DN đã có sản phẩm tham gia vào hệ
thống phân phối tại một số nước trên thị trường quốc tế, ông Lê Anh Tuấn - Phó
Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Mỹ nghệ Thăng Long - thông tin: “Hàng
hóa muốn vào được hệ thống phân phối ở nước ngoài đều phải đáp ứng những tiêu
chí cụ thể (dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật…”. Bên cạnh đó, giá cả
phải rất cạnh tranh. Do vậy, DN Việt Nam cần luôn cải tiến mẫu mã sản phẩm để
có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nước ngoài, đặc biệt
là phải đảm bảo chất lượng hàng hóa.
Đẩy mạnh kết nối
Thời gian qua, mặc dù cơ quan quản
lý cũng đã nỗ lực trong việc hỗ trợ DN về mặt chính sách, cơ chế… song việc
xuất khẩu hàng Việt qua kênh siêu thị nước ngoài vẫn chưa đạt được như
mong muốn.
Một số siêu thị lớn như Big C, Metro
đã thực hiện xuất khẩu hàng Việt ra thị trường thế giới thông qua hệ thống phân
phối của mình trên khắp thế giới.
Big C xuất khẩu khoảng 1.000
containers hàng Việt/năm với các mặt hàng: Dệt may, nông sản, thủy sản, hàng
thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ… sang châu Âu, châu Mỹ… trị giá hàng chục triệu USD.
Đối với nhiều DN xuất khẩu Việt Nam,
việc đưa hàng vào hệ thống phân phối nước ngoài với thương hiệu của riêng mình
vẫn còn khá xa xỉ. Để giải bài toán này, theo ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ
Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), cùng với sự nỗ lực của bản thân DN trong
việc phát triển mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu phù
hợp với yêu cầu của hệ thống phân phối nước ngoài… cần có sự hỗ trợ của nhà
nước về hành lang chính sách, cơ chế. Bên cạnh đó, DN trong nước cần hợp tác
với lực lượng người Việt ở nước ngoài.
Tại buổi tọa đàm, ý kiến của các
chuyên gia kinh tế đều khẳng định, muốn hàng hóa Việt Nam tiếp cận được siêu
thị nước ngoài, ngoài việc đảm bảo về chất lượng hàng hóa, các nhà quản lý cũng
như cộng đồng DN phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối với hệ thống phân
phối nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất, phát triển mẫu mã sản
phẩm; xây dựng thương hiệu hàng hóa xuất khẩu phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ đã ra
Quyết định số 1513/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham
gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Trong đó,
có mục tiêu phấn đấu hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả hệ
thống phân phối lớn tại các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Việt
Nam ở châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
|