Doanh nghiệp nhỏ, chính quyền địa phương và hội nhập
Chính quyền địa phương cần làm gì để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể cạnh tranh, phát triển trong môi trường hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)?
Tuần
rồi, Văn phòng đại diện của Viện Konrad Adenauer tại Việt Nam (KAS) phối hợp
với tỉnh Tây Ninh tổ chức Chương trình tập huấn có tên “Kết nối ASEAN và con
đường xuyên Á”. Tại đây, các chuyên gia kinh tế đã thảo luận về thách thức và
cơ hội cho chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhỏ và vừa tại ASEAN.
Thách thức hội nhập lớn
Theo GS.TS. Alvin Ang, Đại học Ateneo de Manila (Philippines), khi
AEC có hiệu lực (1-2016) thì quá trình tự do lưu thông hàng hóa và dịch vụ sẽ
tác động đến nền kinh tế ở mức độ địa phương. Vì, chắc chắn sẽ có (ngày càng
nhiều) doanh nghiệp từ các nước trong ASEAN đến để cạnh tranh với doanh nghiệp
tại địa phương...
Và, trong cuộc cạnh tranh này, chiến thắng sẽ thuộc về những doanh
nghiệp hoạt động hiệu quả. Cho nên, theo ông, chính quyền địa phương phải hỗ
trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương trong việc tiếp cận nguồn vốn,
công nghệ, đào tạo... Bởi lẽ, các doanh nghiệp nước ngoài thường có khả năng
tài chính, sản phẩm, dịch vụ... tốt hơn các doanh nghiệp địa phương.
Từ kinh nghiệm một số nước đi trước, TS. Trương Minh Huy Vũ, Giám
đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học
Quốc gia TPHCM, cho rằng để doanh nghiệp nhỏ tồn tại và phát triển trong môi
trường kinh tế hội nhập, chính quyền địa phương cần giúp họ kết nối vào chuỗi
cung ứng thương mại. Như Thái Lan tạo điều kiện để doanh nghiệp lớn của họ hỗ
trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển thành các nhà thầu phụ là một ví dụ.
Tất nhiên, theo ông Vũ, chính quyền địa phương cũng có thể giúp
xác định điểm mạnh, điểm yếu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn để
đưa ra các chương trình đào tạo, tư vấn nhằm nâng cao kỹ năng quản trị. Cũng có
thể chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn tài chính từ bên
ngoài bằng cách cung cấp bảo lãnh tín dụng một phần, mở rộng tài sản thế
chấp... vì hầu hết doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
Nói chung, các chuyên gia kinh tế tham gia chương trình tập huấn
đều thừa nhận rằng, khi cánh cửa AEC đã mở thì chính quyền địa phương phải có
những chính sách phù hợp để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phát
triển, hội nhập. Bởi số liệu tổng hợp của TS. Alvin Ang cho thấy doanh nghiệp
nhỏ và vừa các nước trong khu vực ASEAN có khả năng hội nhập thấp.
Thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Philippines, Malaysia, Việt
Nam, Thái Lan... đều chiếm trên 60% số lao động nhưng chỉ chiếm dưới 40% GDP và
dưới 20% giá trị xuất khẩu (trừ Thái Lan 29,5%). Trong khi ở các nước phát
triển như Mỹ, Nhật tỷ lệ này đều cao hơn hẳn.
Mổ xẻ trường hợp Tây Ninh
Tây Ninh, địa phương nằm trên trục đường Xuyên Á, và là cửa ngõ
giao thương đường bộ giữa Việt Nam và các nước ASEAN lục địa. Cho nên, chính
quyền địa phương này rất muốn xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư trong và
ngoài nước để thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh phát triển theo
hướng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó chủ tịch thường trực tỉnh
Tây Ninh, cho biết rất khó thu hút nhà đầu tư lớn nước ngoài vì họ đòi hỏi quá
cao. Như, về môi trường đầu tư phải thông thoáng; nguồn lao động phải có tay
nghề; hạ tầng giao thông phải được kết nối; cơ chế, chính sách phải ưu đãi;
dịch vụ tiện ích phục vụ doanh nghiệp phải sẵn sàng... Trong khi khả năng đáp
ứng của chính quyền địa phương là có hạn.
Theo ông Ngọc, hiện nay, Tây Ninh chưa có doanh nghiệp lớn làm
xương sống cho nền kinh tế; các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thiếu sự liên kết,
mạnh ai nấy làm, cạnh tranh theo kiểu triệt hạ đối thủ nên rất khó khăn khi AEC
đi vào thực chất. “Chúng tôi rất muốn có được nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp lớn
để hướng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở thành các cơ sở sản xuất phụ kiện cho
doanh nghiệp lớn”, ông Ngọc nói.
Tuy nhiên, TS. Alvin Ang cho rằng trước khi có những doanh nghiệp
lớn, Tây Ninh cần xác định là một thành phố kết nối (giữa TPHCM và ASEAN lục
địa) nên phải đi từng bước: (i) tạo ra môi trường kinh doanh phải dự đoán được;
(ii) có quy trình kinh doanh hợp lý và dễ thực thiện; (iii) có cơ sở hạ tầng có
khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực giao thông, công nghệ thông tin...; (iv)
đồng thời hệ thống pháp luật và thủ tục hành chính phải thuận lợi cho lĩnh vực
kinh doanh.
Trong khi ông Phan Chánh Dưỡng, giảng viên thực tiễn lĩnh vực quản
lý, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright đề xuất: Để Tây Ninh hấp dẫn các
nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển, hội nhập của cộng đồng doanh nghiệp vừa
và nhỏ, chính quyền địa phương cần biến Tây Ninh thành một trung tâm kết nối,
trước mắt, là giữa Sài Gòn và Campuchia. “Phải làm sao để người dân Campuchia
đến Tây Ninh là “gặp” Sài Gòn và người Sài Gòn đến Tây Ninh là “gặp”
Campuchia”, ông Dưỡng nói.
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cho rằng cái khó nhất hiện nay của địa
phương này trong thu hút đầu tư phát triển là vốn. Nhưng, theo ông Dưỡng, không
phải vậy. “Đối với nhà đầu tư họ không nhìn vào vốn mà nhìn vào chính sách, lực
lượng lao động, vị trí và đặc biệt là tính rủi ro khi quyết định đầu tư”, ông
Dưỡng nói.
Ông Dưỡng cho rằng, nếu Tây Ninh có chính sách phát triển theo
hướng rút ngắn khoảng cách không gian bằng thời gian - kêu gọi đầu tư cao tốc
kết nối - thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư lớn. Nhưng cái gì cũng phải đi
từng bước, theo ông, trước mắt phải triệt để đơn giản thủ tục hành chính rồi
sau đó mới kêu gọi đầu tư xây cao tốc nối Tây Ninh với cảng Cái Mép - Thị Vải
(bằng tuyến đường kết nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành); bởi vì, nhiều khi
cao tốc rút ngắn thời gian chạy xe từ Tây Ninh đến cảng được ba giờ nhưng thủ
tục hành chính mất hơn ba giờ thì đầu tư cho hạ tầng cũng không có ý nghĩa gì”,
ông nói.
Một yếu tố nữa trong phát triển kinh tế mà Tây Ninh cần lưu ý,
theo TS. Ngô Thị Phương Lan, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, đó là Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam. Do đó, trong phát triển, địa phương này cần chú ý đến yếu tố
liên kết vùng. “Cái khó nhất hiện nay trong liên kết vùng, đó là các địa phương
gặp nhau nói rất hay nhưng sau đó vì lợi ích cục bộ nên mỗi địa phương làm mỗi
phách”, bà nói.
Riêng ông Peter Girke, đại diện KAS tại Việt Nam, nhắc rằng cần
xem xét đến khả năng phát triển giao thông tuyến Tây Ninh - Nam Lào thông qua
cửa khẩu Xa Mát. Vì hiện nay, tuyến đường từ Xa Mát đến Pakse (khoảng 350 cây
số) xuống cấp, nhưng nếu được đầu tư, nâng cấp thì hàng hóa từ Nam Lào và
Campuchia nhiều khả năng sẽ đi ra thế giới bằng các cảng biển ở TPHCM qua tỉnh
Tây Ninh.