Xuất khẩu nông sản: Giải pháp bền vững cho nông dân
Cùng với các mặt hàng nông sản xuất khẩu truyền thống, gạo, hạt tiêu, cà phê, hạt điều, việc xuất khẩu được một số loại trái cây thanh long, xoài, vải… sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản… đã mở ra triển vọng lớn, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng bền vững.
Nỗ lực kết nối,
tiêu thụ sản phẩm
Với trên 60% diện
tích đất nông nghiệp, Hải Dương có nhiều thế mạnh phát triển nông nghiệp, đặc
biệt 3 đặc sản: na, vải thiều và ổi đã tạo được thương hiệu và sản lượng lớn.
Nhờ sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng và đặc biệt là ngành Công Thương Hải
Dương với công tác xúc tiến thương mại bài bản, cùng với sự vào cuộc của doanh
nghiệp và người nông dân, nông sản Hải Dương đã mở được cánh cửa vươn ra thị
trường trong và ngoài nước. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, năm 2016 và các
năm tiếp theo, Hải Dương sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch xúc tiến xuất khẩu vải
thiều theo quy hoạch, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn hiện đại, đảm bảo an
toàn thực phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính, tiềm năng như
Mỹ, EU, và Hàn Quốc.
Tại Bắc Giang,
trước đây, trái vải chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang
Trung Quốc. Vì vậy, mỗi khi vào vụ, câu chuyện nông dân bị thương lái Trung Quốc
ép giá luôn thường trực. Năm 2015 đánh dấu việc trái vải tươi Lục Ngạn vào được
thị trường Mỹ, mặc dù khối lượng chưa nhiều nhưng có ý nghĩa rất lớn. Việc xuất
khẩu được trái vải sang thị trường khó tính là chất xúc tác giúp hình thành các
vùng chuyên canh sản xuất vải theo quy trình VietGap và GlobalGap tại Bắc
Giang.
Ông Trần Quang Tấn
- Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang - cho biết, năm 2016, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh
công tác tuyên truyền về quy trình sản xuất trái vải, chất lượng cũng như khả
năng cung ứng sản phẩm ra thị trường. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan Thương
vụ Việt Nam tại các nước để tiếp nhận thông tin về tình hình thị trường, các
rào cản kỹ thuật thương mại để kịp thời thông tin lại cho các thương nhân,
doanh nghiệp trong nước; tìm kiếm đối tác, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều tại
các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Pháp, Hàn Quốc; xây dựng cơ chế hỗ
trợ doanh nghiệp tạo mối liên kết bền vững trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ
- xuất khẩu; chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, tạo thị trường tiêu thụ
lâu dài và ổn định cho trái vải.
Giúp sức đẩy mạnh
tiêu thụ nông sản
Không chỉ có
trái cây, hiện nay, Việt Nam đang là nguồn cung lớn cho thế giới về một số mặt
hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, chè…. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, 4 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy
sản đạt 10,02 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo trong năm 2016,
kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản sẽ tăng lên như: gạo, hạt điều,
hạt tiêu, sắn và rau quả khi nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực sẽ tạo
điều kiện cho nông sản của Việt Nam tiếp cận được với thị trường nước ngoài. Với
sự hỗ trợ từ Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia, việc xuất khẩu
nông sản Việt Nam ngày càng mở rộng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam sẵn
sàng đón đầu những cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.
Thời gian tới,
ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai Chương trình XTTM quốc gia, trong đó,
ưu tiên tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho mặt hàng nông sản. Huy động hệ thống
tham tán thương mại tại các nước trên thế giới kết nối giao thương, cung cấp
thông tin thị trường cập nhật cho doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức, hiệp
hội xây dựng chiến lược cho từng ngành hàng và nâng cao năng lực xuất khẩu cho
các doanh nghiệp...
“Theo các chuyên
gia, để nông sản Việt Nam đi xa hơn nữa, doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm thị
trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ,
hỗ trợ ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Đặc
biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành Công Thương trong việc mở rộng, đổi mới
mô hình cũng như phương thức xúc tiến thương mại.”