SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Úc áp dụng hệ thống dán nhãn phân biệt nguồn gốc thực phẩm

[02/06/2016 14:25]

Từ ngày 1/7/2016, chính phủ Úc sẽ áp dụng hệ thống dán nhãn mới cho thức ăn, giúp người tiêu dùng có thêm thông tin về nơi sản xuất, chế biến của các loại thực phẩm.

Nhãn mới: Nguồn gốc thực phẩm bán ở Úc rõ ràng hơn

Hệ thống nhãn mới cho thực phẩm tại Úc sẽ đơn giản và dễ hiểu, cung cấp thông tin về nguồn gốc thực phẩm gần như lập tức cho người tiêu dùng ngay lúc họ nhìn thấy món hàng, giúp người tiêu dùng có những thông tin cần thiết và rõ ràng ngay khi đưa ra quyết định mua chúng.

Bên cạnh thông tin thức ăn được sản xuất, nuôi trồng, làm ra hay đóng gói ở đâu, hệ thống nhãn dán trên thực phẩm mới còn cho biết rõ bao nhiêu phần trăm nguyên liệu trong món hàng xuất xứ từ nước Úc.

Trong nhiều năm qua, người Úc đã yêu cầu có sự thay đổi trong việc thông tin xuất xứ món hàng trên nhãn thực phẩm. Họ muốn thông tin rõ ràng hơn, ý nghĩa hơn, và chính xác hơn.

Cho đến thời điểm hiện tại, nguồn gốc thực phẩm ghi trên nhãn thường mập mờ. Người tiêu dùng rất khó khăn để hiểu và phân biệt được sự khác nhau giữa ‘made in’ (làm ở) và ‘product of’ (sản phẩm của).

Hệ thống nhãn mới này sẽ giúp người tiêu dùng dễ hiểu hơn, từ đó có đủ thông tin ngay khi họ phải đưa ra quyết định tại các kệ hàng trong siêu thị, các tiệm bán rau củ quả, hay ở chợ.

Từ nay người mua hàng không còn phải hoang mang, và cũng không cần tìm đọc những dòng chữ nhỏ li ti trên nhãn thực phẩm.

Nhận diện hệ thống nhãn thực phẩm mới của Úc

Hệ thống nhãn thực phẩm mới của Úc cho biết rõ nguồn gốc và xuất xứ

Có ba loại nhãn cho thực phẩm của Úc  

Grown in Australia: Thường thấy nhãn này trên các loại thức ăn tươi sống, là thực phẩm được nuôi, trồng, sản xuất ở Úc, và các thành phần trong đó 100% ở Úc.

 Product of Australia: Đây là thực phẩm có 100% thành phần được nuôi trồng tại Úc, và được chế biến, đóng gói ở Úc.

Made in Australia: Loại sản phẩm dán nhãn này phải có ít nhất 70% thành phần được sản xuất, chế biến và đóng gói tại Úc. Tất cả những thực phẩm chỉ xắt ra, vô hộp, hay tái đóng gói tại Úc từ các nguồn nhập cảng từ 1/7/2016 sẽ không còn được dán nhãn hiệu “Made in Australia”.

 Chỉ 3 loại thực phẩm này được phép in hình con Kangaroo trên nhãn.

Có hai loại nhãn khác cho đồ ăn nhập cảng vào Úc

 Packed in Australia: Thực phẩm có ít hơn 70% thành phần có xuất xứ từ Úc sẽ dán nhãn này, và để rõ số phần trăm nguyên liệu trong đó đến từ hay được chế biến ở Úc.

 Imported goods: Hàng nhập cảng và Úc bán phải để nhãn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

 Hai loại thực phẩm này không được phép in hình con kangaroo trên nhãn

Trừ loại hàng nhập cảng hoàn toàn, những sản phẩm còn lại, bên ngoài chữ và số, còn có hình cây thước thể hiện tỉ lệ phần trăm thành phần có nguồn gốc từ Úc.

Có phải mọi thực phẩm bán tại Úc đều phải dùng nhãn mới?

Hệ thống nhãn mới sẽ áp dụng cho một loạt các loại thực phẩm bán lẻ ở Úc, nhưng thức ăn bán trong các nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng, và trường học là ngoại lệ.

Có một số loại thực phẩm không bị yêu cầu phải sử dụng hình kangaroo trên logo hay hình cây thước thể hiển thị tỷ lệ phần trăm của các thành phần từ Úc, nhưng vẫn sẽ phải nói rõ nơi nguyên liệu được trồng, sản xuất, thực hiện hoặc đóng gói. Tuy nhiên các nhà sản xuất cũng có thể tự nguyện sử dụng hệ thống nhãn mới này, bên cạnh việc đưa ra các thông tin quy định như trên.

Các loại thực phẩm ngoại lệ không cần phải sử dụng nhãn mới:

- Gia vị, đồ nêm

- Các sản phẩm kẹo bánh

- Bánh quy và đồ ăn vặt

- Nước đóng chai

- Nước uống có ga và nước uống thể thao

- Trà và cà phê

- Thức uống có cồn

Những thực phẩm khác không nằm trong danh sách ngoại lệ này khi bày bán tại Úc phải dùng nhãn mới bên cạnh việc nói rõ nơi nguyên liệu được

Hai năm chuyển tiếp

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm ở Úc sẽ cần bắt đầu áp dụng hệ thống nhãn mới từ ngày 1/7/2016.

Nhưng chính phủ Úc cho biết sẽ có hai năm thời gian chuyển tiếp, cho phép các doanh nghiệp có đủ thời gian thích nghi với sự thay đổi trong khi vẫn tiếp tục thương vụ của họ. Nghĩa là, người tiêu dùng sẽ ngày càng thấy loại nhãn mới xuất hiện nhiều hơn trên các sản phẩm.

Sản phẩm thực phẩm nào còn nhãn cũ vào cuối giai đoạn chuyển tiếp vẫn có thể được bán cho đến hết thời hạn sử dụng. Nhãn dán trên thực phẩm sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp phải tuân theo các quy định mới của chính phủ.

vietnamexport.com (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ