Hội thảo giới thiệu về tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư trong ngành dệt may Việt Nam-Thổ Nhĩ Kỳ
Vào ngày 25/5, Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hội đồng Quan hệ Kinh tế Ngoại thương của Thổ Nhĩ Kỳ (DEIK) đã phối hợp tổ chức Hội thảo giao lưu với chủ đề “Hợp tác giữa Việt Nam – Thổ Nhĩ Kỳ và cơ hội đầu tư trong ngành dệt may tại Việt Nam”.
Hội thảo có sự
tham gia đông đảo của nhiều đại diện doanh nghiệp sở tại tới từ các thành phố
Istanbul, Tekirdag và Bursa của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có nhiều doanh nghiệp dệt
may lớn của Thổ Nhĩ Kỳ như KOTEKS, YUNSA... Các đại diện thuyết trình tại cuộc
họp gồm có ông Lê Phú Cường – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ và
ông Cenk Aydin – đại diện Công ty TNHH Liên Á (United Asia Co. Ltd) có trụ sở tại
tỉnh Bình Dương, Việt Nam. Đây là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của Việt Nam của
doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ
Mở đầu buổi hội
thảo, Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Phạm Anh Tuấn đã gửi lời cảm ơn tới DEIK
cùng các doanh nghiệp đã có mặt tham gia sự kiện này. Kể từ khi công tác tại Thổ
Nhĩ Kỳ, Đại sứ cảm thấy ấn tượng trước thị trường dệt may của Thổ Nhĩ Kỳ về tầm
vóc lẫn sức tiêu thụ. Đại sứ tin rằng với các ưu thế cạnh tranh về giá nhân
công, ưu đãi đầu tư … Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư Thổ Nhĩ
Kỳ và hy vọng rằng buổi hội thảo này sẽ làm cầu nối đưa họ tới gần Việt Nam
hơn.
Trong bài thuyết
trình, Tham tán Lê Phú Cường đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển
kinh tế, đầu tư nưới ngoài và thương mại của Việt Nam và các lý do vì sao doanh
nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ nên quan tâm và đầu tư vào Việt Nam. Phần thứ hai của bài
thuyết trình tập trung đi sâu về ngành dệt may tại Việt Nam: giới thiệu tổng
quát kèm theo các số liệu cụ thể về dệt may, thời cơ cho các doanh nghiệp, các
ưu thế và ưu đãi mà các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận được khi đầu tư tại
Việt Nam …
Tiếp sau đó, ông
Cenk Aydin cũng đã chia sẻ trực tiếp kinh nghiệm đầu tư và vận hành doanh nghiệp
đầu tư nước ngoài tại Việt Nam của mình với các doanh nghiệp tham gia hội thảo.
Ông Aydin cho biết Việt Nam có nhiều lợi thế về nhân lực, nền kinh tế phát triển
nhanh, ổn định về chính trị, đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và có sức
tiêu thụ nội địa cao. Ông Aydin đã khuyến khích các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ chọn
Việt Nam làm điểm đầu tư trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng đưa ra khuyến
nghị xóa bỏ mọi rào cản thương mại giữa hai nước và gợi ý việc thành lập một Hiệp
hội Doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam.
Sau phần thuyết
trình, nhiều câu hỏi quan tâm từ của các doanh nghiệp tham gia về cách thức
tham gia đầu tư hay tìm các đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực dệt may tại Việt
Nam được đặt ra, nhất là những vấn đề cụ thể của ngành dệt và đã được ông Aydin
trao đổi thẳng thẳn với hy vọng có nhiều doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng các lợi
thế của Việt Nam trong thời điểm này như chi phí sản xuất thấp và mở cửa thị
trường qua các hiệp định thương mại tự do (TPP và VEFTA)
Đại diện của
DEIK cũng mong muốn các doanh nghiệp dệt may của Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng cơ hội tại
Việt Nam kết hợp với những lợi thế sẵn có của các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ để đầu
tư vào lĩnh vực sợi, dệt, nguyên phụ liệu… tại Việt Nam và gia tăng kim
ngạch song phương giữa hai nước. Sau hội thảo này, DEIK sẽ tiếp tục phối hợp với
Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ tại Istanbul tổ chức các hội thảo với cùng nội
dung tại các tỉnh tập trung nhiều các doanh nghiệp dệt may như Bursa, Denizli,
Gaziantep, Koaceli … trong năm 2015.
Trong những năm
gần đây, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ liên tục phát triển.
Ngành dệt may cũng không phải một ngoại lệ. Trong năm 2015, mặt hàng sợi xuất
khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 168 triệu USD, hàng dệt may từ Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ
đạt 38 triệu USD kim ngạch và các sản phẩm dệt may cũng đạt 15 triệu USD. Trong
khi đó ở chiều ngược lại, vải là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất từ Thổ Nhĩ Kỳ sang
Việt Nam với kim ngạch gần 38 triệu USD, các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may cũng
đạt 5,2 triệu USD. Thổ Nhĩ Kỳ là nước có ngành dệt may phát triển, có nhiều lợi
thế về tiền vốn, công nghệ, kinh nghiệm… và một trong những nước xuất khẩu lớn
mặt hàng này, tuy nhiên chi phí lao động của nước ngày ngày một tăng cao khiến
cho nhiều doanh nghiệp bắt đầu tính đến việc đầu tư ra nước doanh để có lợi thế
cạnh tranh.