Những điểm mới chủ yếu của Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về kinh doanh khí
Ngày 22/3/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí thay thế Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng. Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 15 tháng 5 năm 2016.
1. Đối tượng điều chỉnh
Nghị định số
19/2016/NĐ-CP áp dụng đối với các thương nhân theo quy định của Luật Thương mại
và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động động kinh doanh khí.
Các đối tượng điều chỉnh chủ yếu trong Nghị định bao gồm: Thương nhân kinh
doanh khí đầu mối; Tổng đại lý kinh doanh LPG; Đại lý kinh doanh LPG; Thương
nhân kinh doanh dịch vụ cho thuê kho, cảng xuất nhập khí và Thương nhân kinh
doanh dịch vụ vận chuyển khí.
2. Nội dung quy định mới chủ yếu của Nghị định số 19/2016/NĐ-CP
Nhằm bắt kịp
xu hướng phát triển và kịp thời điều chỉnh hoạt động kinh doanh khí thiên nhiên
hoá lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG) tại Việt Nam, Nghị định số
19/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các
loại hình thương nhân LNG và CNG cũng như các cơ sở kinh doanh LNG và CNG.
Trên cơ sở rà
soát, đánh giá tình hình thực thi Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 11
năm 2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP đã có
những sửa đổi, bổ sung một số nội dung đối với hoạt động kinh doanh LPG. Một số
điểm mới, chủ yếu của Nghị định như sau:
2.1. Về điều kiện kinh doanh
Nghị định số
107/2009/NĐ-CP quy định về điều kiện của các thương nhân chưa cụ thể và chưa
sát với thực tế hoạt động kinh doanh LPG, đặc biệt là các điều kiện đối về số
lượng chai LPG và kho chứa LPG quá lớn gây khó khăn cho doanh nghiệp, có thể
gây lãng phí tài sản đầu tư của xã hội. Nghị định số 19/2016/NĐ-CP điều chỉnh
một số điều kiện:
- Số lượng
chai LPG thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu
3.930.000 lít (tương đương 150 nghìn chai LPG loại 12 kg, quy định trước đây là
300.000 chai LPG) đối với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG (quy định tại
Khoản 2 Điều 7); tổng dung tích chứa tối thiểu 2.620.000 lít (tương đương 100
nghìn chai LPG loại 12 kg, quy định trước đây là 300.000 chai LPG) đối với
thương nhân phân phối LPG chai (quy định tại Khoản 2 Điều 9).
- Tổng sức
chứa các bồn LPG tối thiểu xuống còn 300 m3 (quy định trước đây là 800 m3) đối
với thương nhân phân phối LPG chai (quy định tại Khoản 1 Điều 9)
2.2. Về hệ thống phân phối
- Nhằm giảm
thiểu tối đa tình trạng chiết nạp trái phép, chiếm dụng, cưa tai mài vỏ chai
LPG làm mất an toàn, ảnh hưởng tới tính mạng người tiêu dùng, Nghị định số
19/2016/NĐ-CP quy định trạm nạp LPG vào chai phải thuộc sở hữu của thương nhân
kinh doanh LPG đầu mối (quy định tại Khoản 2 Điều 7 và Khoản 2 Điều 9).
- Bổ sung quy
định điều kiện về tổng sức chứa các bồn LPG tối thiểu 100 m3 và sở hữu trạm cấp
LPG (quy định tại Khoản 3 Điều 9) đối với loại hình thương nhân phân phối LPG
kinh doanh qua đường ống, trong đó nhằm khuyến khích hoạt động cung cấp LPG tại
các khu đô thị, toà nhà cao tầng.
- Trước đây,
Nghị định số 107/2009/NĐ-CP quy định Tổng đại lý được ký hợp đồng đại lý cho
tối đa 3 thương nhân kinh doanh LPG đầu mối và đại lý được ký hợp đồng đại lý
cho tối đa 3 thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc 3 tổng đại lý kinh doanh
LPG. Quy định trên đã tạo mạng lưới phân phối giữa các loại hình thương nhân
kinh doanh LPG không rõ ràng, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đan xen dẫn đến hệ
thống phân phối LPG không có sự gắn kết, ràng buộc quyền lợi và nghĩa vụ giữa
các thương nhân trong hệ thống, cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành, lôi
kéo đại lý và khách hàng của nhau. Để khắc phục hạn chế trên, Nghị định số
19/2016/NĐ-CP quy định Tổng đại lý kinh doanh LPG được ký với 03 thương nhân
đầu mối kinh doanh LPG; đại lý kinh doanh LPG được ký với 03 thương nhân đầu
mối kinh doanh LPG hoặc 01 tổng đại lý (quy định tại Khoản 1 Điều 22 và Khoản 1
Điều 23).
2.3. Về công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh khí
Nghị định số
107/2009/NĐ-CP chưa quy định chế độ công khai, minh bạch thông tin về hoạt động
kinh doanh LPG của các thương nhân kinh doanh LPG đầu mối, tổng đại lý/đại lý
kinh doanh LPG dẫn đến việc người tiêu dùng khó nắm bắt được thông tin về giá,
nhãn hiệu hàng hoá và hệ thống phân phối thuộc các loại hình thương nhân kinh
doanh khí.
Để khắc phục
tình trạng này, Nghị định quy định riêng Điều 47 về công khai, minh bạch hoạt
động kinh doanh khí. Trong đó, quy định Bộ Công Thương có trách nhiệm công bố
thông tin trên trang thông tin điện tử của mình về danh sách thương nhân xuất
khẩu, nhập khẩu khí; danh sách thương nhân phân phối khí. Thương nhân xuất
khẩu, nhập khẩu khí và thương nhân phân phối khí có trách nhiệm tuân thủ các
quy định của pháp luật về quản lý giá và công bố trên trang thông tin điện tử
của thương nhân hoặc phương tiện thông tin đại chúng về giá bán lẻ trong hệ
thống phân phối thương nhân quản lý; hệ thống phân phối thuộc thương nhân quản
lý. Tổng đại lý/đại lý kinh doanh LPG có trách nhiệm thông báo giá bán lẻ tới
Sở Tài chính và Sở Công Thương nơi có các cơ sở kinh doanh LPG hoạt động theo
quy định pháp luật về giá.
2.4. Về thủ tục hành chính
Nghị định số
107/2009/NĐ-CP chỉ quy định thủ tục cấp mới một số Giấy chứng nhận đủ điều kiện
kinh doanh LPG, không quy định trình tự, thủ tục cấp lại, điều chỉnh, gia hạn,
thu hồi. Nhằm đáp ứng yêu cầu minh bạch đối với các thủ tục hành chính và nâng
cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh khí theo chuỗi từ
nơi phát nguồn đến tận tay người tiêu dùng, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP đã bổ
sung một Chương quy định về trình tự, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều
kiện kinh doanh khí (Chương IV).
Chi tiết Nghị định số
19/2016/NĐ-CP xem tại đây