SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khai thác và phát triển nguồn gen các giống gai xanh Phú Yên và Thanh Hóa

[24/06/2016 08:09]

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu về các sản phẩm may mặc cũng như nhu cầu về nguyên liệu của ngành Dệt may nước ta ngày càng lớn. Việc phát triển cây nguyên liệu khác ngoài cây bông nhằm bổ sung cơ cấu nguyên liệu cho ngành Dệt may là rất cần thiết, góp phần giảm dần việc nhập khẩu xơ, tiết kiệm ngoại tệ và chủ động sản xuất, tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Từ đó, bảo đảm ngành Dệt may phát triển bền vững và đa dạng hóa sản phẩm.

Tuy nhiên, bông - cây trồng lấy sợi chính ở Việt Nam - mới chỉ đáp ứng được một tỉ lệ rất nhỏ nhu cầu xơ của ngành Dệt may, phần lớn nguyên liệu cho ngành may mặc hiện nay vẫn phải nhập khẩu. Trước thực trạng đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã triển khai hàng loạt dự án sản xuất nguyên liệu cho ngành Dệt may nhằm giảm dần sản lượng xơ bông nhập khẩu. Một trong những cây nguyên liệu có tiềm năng phát triển là cây gai xanh. Đây là loại cây trồng lấy sợi có chất lượng tốt, có nhiều đặc điểm quý, được Chính phủ chú trọng và quan tâm phát triển.

Gai xanh (Boehmeria nivea L. Gaudich) là một trong những cây lấy sợi từ vỏ rất có giá trị vì sợi gai có nhiều đặc tính quý và do đó có nhiều công dụng quan trọng. Vải dệt từ xơ gai có đặc tính dễ nhuộm, có khả năng kháng khuẩn, nấm mốc, chống thối rữa, bền với ánh sáng, có khả năng chống bám bẩn tự nhiên, thấm hút nước tốt, chịu được nhiệt độ cao của nước khi giặt… Nổi bật trong các giống đó là hai giống gai xanh có nguồn gốc từ Phú Yên (PY1) và Thanh Hóa (TH2). Đây là hai giống gai xanh bản địa, có năng suất cao, chất lượng tốt. Tuy nhiên, việc nghiên cứu cây gai để lấy sợi ở Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bước đầu. Do vậy, nghiên cứu đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm khai thác và phát triển cây gai xanh ở Việt Nam theo hướng hàng hóa là rất cần thiết. Xuất phát từ thực tế trên, Thạc sĩ Trần Đức Hảo thuộc Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ quỹ gen “Khai thác và phát triển nguồn gen các giống gai xanh (Boehmeria nivea L. Gaudich) Phú Yên và Thanh Hóa” nhằm phát triển được 2 giống gai xanh có nguồn gốc từ Phú Yên (PY1) và Thanh Hóa (TH2) có chất lượng tốt cùng với các quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc kèm theo để phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế xã hội của vùng. Mục tiêu của nhiệm vụ bao gồm:

- Mục tiêu tổng quát: Khai thác và phát triển được hai giống gai xanh lấy sợi Phú Yên và Thanh Hóa.

- Mục tiêu cụ thể:

1. Xác định bổ sung một số đặc điểm nông sinh học, kinh tế và giá trị nguồn gen 02 giống gai xanh Phú Yên và Thanh Hóa cần cho khai thác và phát triển.

2. Xây dựng được 02 quy trình phục tráng và nhân giống cho 2 giống gai xanh Phú Yên và Thanh Hóa.

3. Xây dựng được 02 quy trình kỹ thuật canh tác và sơ chế sợi cho 2 giống gai xanh Phú Yên và Thah Hóa phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng.

4. Xây dựng được mô hình vườn nhân và sản xuất giống, quy mô 1,0 ha/giống với số lượng cây tối thiểu 500.000 cây/giống cho 2 giống gai xanh Phú Yên và Thanh Hóa.

5. Xây dựng được 01 mô hình trình diễn cho 2 giống gai xanh Phú Yên và Thanh Hóa (quy mô 4,5ha/ mô hình).

Sau một thời gian áp dụng các quy trình nhân giống, các biện pháp kỹ thuật canh tác cũng như thực hiện các mô hình trình diễn 2 giống gai xanh PY1 và TH2 tại Phú Yên và Thanh Hóa, nhiệm vụ đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:

1. Đã đánh giá bổ sung được một số đặc điểm nông sinh học và kinh tế chính của 2 giống gai xanh Phú Yên (PY1) và Thanh Hóa (TH2). Xây dựng được bản mô tả đặc tính nông sinh học và kinh tế chính của 2 giống gai xanh PY1 và TH2.

2. Đã xây dựng và hoàn thiện được 06 quy trình, 09 chuyên đề khoa học, so với hợp đồng và thuyết minh là đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng của sản phẩm dạng II. Trong đó:

2.1. Xây dựng và hoàn thiện 02 quy trình nhân giống cho 2 giống gai xanh PY1 và TH2. Từ các kết quả nghiên cứu về kỹ thuật nhân giống gai xanh, cũng như kế thừa các kết quả nghiên cứu trên thế giới, đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở cây giống cho 2 giống gai xanh PY1 và TH2.

2.2. Xây dựng được quy trình phục tráng giống cho 2 giống gai PY1 và TH2.

2.3. Đã xác định được một số biện pháp để hoàn thiện được 02 quy trình kỹ thuật canh tác cho 2 giống gai xanh PY1 và TH2.

2.4. Hoàn thiện được quy trình sơ chế sợi cho 2 giống gai xanh PY1 và TH2.

3. Đã triển khai được vườn cây đầu dòng, diện tích 0,1 ha/giống. Áp dụng quy trình nhân giống, đã nhân được hơn 500.000 cây giống/giống bằng phương pháp giâm cành, xây dựng được vườn sản xuất giống với quy mô 1 ha/giống.

4. Đã công bố 02 bài báo khoa học liên quan tới kết quả của nhiệm vụ trên tạp chí Khoa học công nghệ - Bộ Công thương, đạt yêu cầu so với thuyết minh đề tài. Trong quá trình thực hiện, nhiệm vụ đã đào tạo được 01 thạc sĩ chuyên ngành khoa học cây trồng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số: 11679/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia./.

www.most.gov.vn(lntrang)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ