EVFTA giúp ngành Da giầy Việt Nam vững chân tại thị trường EU
Liên tục trong thời gian dài, EU là thị trường xuất khẩu số một của ngành Da giầy Việt Nam. Chỉ đến năm 2015, ngôi vị này mới có sự thay đổi, khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ lần đầu tiên vượt EU. Dẫu vậy, thị trường này vẫn luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, gắn với sự phát triển lâu dài, bền vững của ngành Da giầy Việt Nam, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã kết thúc đàm phán.
EU
- bạn hàng lớn và lâu đời
Ngành
công nghiệp da giầy Việt Nam có lịch sử phát triển từ lâu đời và là một trong
những ngành công nghiệp có lợi thế xuất khẩu, đóng góp đáng kể cho kinh tế đất
nước. Từ chỗ chỉ sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, năm 1992, ngành Da giầy bắt
đầu xuất khẩu được 5 triệu USD và liên tục tăng trưởng với tốc độ cao từ năm
1993 đến nay. Hiện nay, ngành Da giầy nằm trong top 3 về kim ngạch xuất khẩu
với kim ngạch năm 2015 đạt gần 15 tỷ USD, trong đó hơn 12 tỷ USD từ giầy dép.
Số
liệu của Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho thấy, Việt Nam nằm
trong top 4 nước sản xuất giầy dép lớn nhất thế giới về số lượng, sau Trung
Quốc, Ấn Độ và Brazil và là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về giá trị,
sau Trung Quốc và Italia. Sản phẩm giầy dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên
50 nước và vùng lãnh thổ.
Theo
thống kê của EU, từ năm 1996, Việt Nam đã đứng vị trí thứ 3 trong số các nước
xuất khẩu giầy dép nhiều nhất vào EU. Gần đây, Việt Nam đã vươn lên vị trí nhà
xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc. Trong hơn 12 tỷ USD giầy dép xuất khẩu
năm 2015 thì riêng xuất khẩu sang EU đạt 4,4 tỷ USD, tăng 20%, chiếm hơn 30%
tổng kim ngạch xuất khẩu.
Xuất
khẩu của Việt Nam vào EU chủ yếu tập trung ở mặt hàng giầy da chất lượng cao và
giầy thể thao cho các thương hiệu của Mỹ và EU. Trong đó, năm 2015, kim ngạch
xuất khẩu sang thị trường Bỉ lớn nhất, đạt trên 720 triệu USD.
“Khoảng
lặng” trong thương mại giầy dép
Vào
những năm 2005 và 2006, cả ngành Da giầy rơi vào thế lao đao khi tháng 10/2006,
Ủy ban châu Âu (EC) ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản
phẩm giầy mũ da nhập khẩu từ Việt Nam. Mức thuế áp dụng là 10%. Dù thuế chống
bán phá giá được áp dụng chỉ từ năm 2006, nhưng tác động tiêu cực của nó đã
phát sinh ngay từ khi có tin về vụ kiện năm 2005.
Thêm
nữa, trong một thời kỳ dài phần lớn nguyên phụ liệu của doanh nghiệp da giầy
Việt Nam đều phải nhập khẩu để làm hàng xuất khẩu sang EU. Do vậy, tuy giá trị
kim ngạch xuất khẩu rất cao nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cho doanh nghiệp da
giầy thấp, giá trị gia tăng chỉ chiếm 25%.
Chưa
kể về hệ thống phân phối, có đến hơn 60% sản phẩm da giầy Việt Nam là gia công
cho các đối tác nước ngoài dưới hình thức làm theo đơn đặt hàng, với giá nhân
công rẻ nên các doanh nghiệp Việt Nam chỉ giao hàng đến các nhà buôn mà không
xuất khẩu trực tiếp đến các nhà phân phối chính. Đây là điểm yếu của ngành Da
giầy Việt Nam vì đa phần phụ thuộc vào hệ thống phân phối kinh doanh nước
ngoài, điều đó đồng nghĩa với việc bị chi phối về sản xuất.
EVFTA
mang tới những cơ hội bền vững
Nhưng
“khoảng lặng” giờ đã trở thành quá khứ. Ngành Da giầy Việt Nam đang đứng trước
cơ hội lớn để khẳng định, củng cố và mở rộng thị phần ở thị trường EU.
Từ
năm 2014, giầy dép của Việt Nam vào EU chính thức được hưởng ưu đãi thuế quan
phổ cập (GSP - thuế suất hạ từ 13 - 14% xuống còn 3 - 4%) với tất cả các mặt
hàng. Tận dụng được thuận lợi trên, xuất khẩu giầy dép vào EU đã tăng trưởng
mạnh mẽ tới 20%. Tuy nhiên GSP là chương trình ưu đãi có thời hạn và kèm theo
những điều kiện nhất định.
Những
tháng đầu năm 2016, thông tin có lợi nữa với ngành Da giầy là Tòa án Tư pháp
thuộc EU (CJEU) đã ra thông báo quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với
sản phẩm giầy mũ da (certain leather footware) nhập khẩu từ Việt Nam bị vô hiệu
một phần. Thực tế, quyết định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá giầy mũ
da Việt Nam đã được chấm dứt từ ngày 1/4/2011.
Nhưng
điều quan trọng được doanh nghiệp ngành Da giầy quan tâm và chờ đợi nhiều nhất
chính là EVFTA đã kết thúc đàm phán. Dự kiến, khi EVFTA có hiệu lực cũng là
thời điểm Việt Nam kết thúc thời gian được hưởng ưu đãi theo Quy chế GSP. Theo
cam kết, EVFTA hấp dẫn hơn với đa phần các dòng thuế giảm về 0% (trong vòng 7
năm), tạo đà tốt hơn cho xuất khẩu giầy dép vào EU, mức tăng trưởng có thể từ
20 - 30%.
Với
sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài, ngành Da giầy Việt Nam đã có những
bước tiến vượt bậc. Hiện tại, ngành đã đáp ứng khá tốt yêu cầu về quy tắc xuất
xứ khi đạt tỷ lệ nội địa hóa lên tới 55%. Một bộ phận doanh nghiệp sản xuất có
sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và đang cải thiện ngày một tốt hơn tiến độ
giao hàng, chủ động trong việc tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết với các
đối tác cung cấp nguyên phụ liệu…
Cũng
đã có những doanh nghiệp mạnh dạn làm khác truyền thống gia công để xuất khẩu
được những sản phẩm của chính mình. Đơn cử như Công ty Sản xuất - Thương mại -
Dịch vụ Vinh Thông, từ vật tư, nguyên liệu, kiểm định chất lượng đến khâu cuối
cùng để sản xuất những đôi giầy xuất khẩu, hầu như đều do doanh nghiệp quyết
định hoàn toàn, khác hẳn so với cách làm gia công của khoảng 90% doanh nghiệp
xuất khẩu giầy dép khác. Với cách làm chủ động, mỗi năm, doanh nghiệp có thể
xuất khẩu đến 5 triệu đôi giầy dép, chủ yếu vào thị trường châu Âu, với tổng
giá trị lên đến hơn 200 tỷ đồng.
Đáng
nói, nếu như dệt may gặp khó bởi quy tắc xuất xứ từ vải, thì những yêu cầu của
EU trong FTA lại giúp cho da giầy “rộng cửa” hơn. EVFTA cho phép các doanh
nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, chỉ yêu cầu từ khâu
giặt, may, lắp ráp, đóng gói là phải thực hiện tại Việt Nam.
Về
tầm nhìn phát triển bền vững, trước những cơ hội lớn mà EVFTA hứa hẹn mang lại,
tại Hội nghị Thượng đỉnh ngành Da giầy ngày 31/3/2016 tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ
trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định, trong quy hoạch tổng thể phát
triển, ngành Da giầy sẽ xây dựng một số khu/cụm công nghiệp sản xuất nguyên phụ
liệu và xử lý môi trường tập trung; đồng thời xây dựng một số cụm chuyên sản
xuất nguyên vật liệu để kêu gọi các nhà đầu tư. Ngoài ra, ngành Da giầy cũng sẽ
được xây mới và phát triển các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm xúc tiến
thương mại, trung tâm thời trang ở trong nước và nước ngoài...
Bộ
Công Thương đã xây dựng Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ; trong đó có
ngành Da giầy với nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực
này. Trong đó, các sản phẩm da giầy được ưu tiên phát triển gồm: Da thuộc, vải
giả da, mũ giầy, dế giầy, hóa chất, thuộc da, chỉ may giầy, keo dán giầy, đồ
trang trí… Tuy nhiên, để nâng cao tính pháp lý của Nghị định, Bộ Công Thương
đang thực hiện xây dựng thành Luật để triển khai hiệu quả hơn việc đưa các
chính sách vào cuộc sống.