Hoàn thiện hệ thống pháp luật để hội nhập và thực thi cam kết TPP
Ngày 21/6 tại Đà Nẵng, Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ủy ban đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động, việc làm, an sinh xã hội phù hợp Hiến pháp 2013, hội nhập quốc tế và thực thi cam kết TPP”.
Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ ngành, đại biểu Quốc
hội các tỉnh, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hội, hiệp hội doanh
nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học...
Hội thảo nằm trong chương trình công tác phối hợp giữa Ủy
ban về các vấn đề xã hội và ILO, đồng thời thảo luận các vấn đề liên quan đến
lao động, việc làm, an sinh xã hội trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình
Dương (TPP) trước khi trình Quốc hội phê chuẩn TPP dự kiến tại phiên họp thứ nhất
Quốc hội khóa XIV (tháng 7/2016).
Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề
xã hội cho biết: “Việc tham gia TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện nhanh hơn
thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại lực lượng lao động
và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Trong lĩnh vực lao động, các cam kết
của TPP đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động và quan hệ
lao động theo Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động năm
1998 của Tổ chức Lao động quốc tế. TPP còn đề cập đến 3 tiêu chuẩn lao động hay
"điều kiện làm việc có thể chấp nhận được” là lương tối thiểu, giờ làm việc
và an toàn lao động mà các quốc gia tham gia TPP phải thực hiện”.
TPP là được nhắc đến là hiệp định thương mại toàn diện giữa
12 quốc gia trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam. Hiệp định này đặc biệt
quan tâm đến các vấn đề lao động như xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ
em, phân biệt đối xử hay quyền được thành lập công đoàn riêng ở cấp cơ sở; các
quy định bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động
can thiệp và phân biệt đối xử, và các điều chỉnh liên quan đến vấn đề lao động
không ảnh hưởng đến địa vị pháp lý, vai trò, chức năng nhiệm vụ và tổ chức, hoạt
động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.
Để thực thi các cam kết trong TPP, Việt Nam phải thực hiện
4 điều chỉnh đó là: điều chỉnh chương XIII trong Bộ luật Lao động cho phép người
lao động trong doanh nghiệp được thành lập tổ chức của mình; thứ 2 là về đình
công, trong đó chú ý 5 điểm đình công về quyền, tỷ lệ lấy ý kiến 50%+1, đình
công ngoài DN, danh mục ngành nghề cấm đình công, hoãn, ngừng đình công; thứ 3
là về lao động cưỡng bức với 3 điểm chính là lao động gán nợ, chế tài hình sự,
cai nghiện ma túy, pháp luật Việt Nam cần bổ sung thêm “lao động gán nợ”
trong khái niệm lao động cưỡng bức; và thứ 4 là về phân biệt đối xử cũng gồm 3
điểm làm rõ định nghĩa nguồn gốc dân tộc, tất cả các khía cạnh việc làm, lao động
nữ.
Cũng cần lưu ý, TPP chỉ có hiệu lực đối với Việt Nam và
Hoa Kỳ sau khi Việt Nam hoàn thành việc sửa đổi luật pháp, việc liên kết để
hình thành tổ chức của người lao động ở cấp trên doanh nghiệp được thực hiện
sau trong thời gian không quá 5 năm kể từ khi TPP có hiệu lực giữa Việt Nam và
Hoa Kỳ. Nếu sau 5 năm, Việt Nam chưa thực hiện cam kết nói trên thì Hoa Kỳ có
quyền hoãn hoặc dừng lộ trình giảm thuế cho Việt Nam.