Mẫu mã lạc hậu, không theo kịp xu hướng tiêu dùng được nhận định là “điểm nghẽn” trong xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) của các làng nghề. Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước còn cần sự nỗ lực đổi mới của bản thân doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt
Nam, cả nước hiện có trên 5.000 làng nghề, hầu hết vẫn hoạt động theo mô hình tự
phát, manh mún. Các làng nghề đang chịu ảnh hưởng lớn từ tình trạng đất cho sản
xuất ngày một thu hẹp, bị hàng hóa bằng chất liệu công nghiệp áp đảo khiến hoạt
động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, chuyên gia Vũ Hy Thiều lại cho rằng: Mẫu mã lạc
hậu mới là “điểm nghẽn” trong xuất khẩu sản phẩm TCMN của làng nghề. Doanh nghiệp,
cơ sở sản xuất quá phụ thuộc vào mẫu mã truyền thống, phô diễn kỹ thuật và sao
chép mẫu mà không chú ý tới công năng sử dụng, kết cấu kỹ thuật không chắc chắn
và trang trí quá rườm rà. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp phát triển mẫu mã chỉ
dựa vào thói quen, thiếu tính sáng tạo, kỹ năng thiết kế và thiếu thông tin về
thị trường. “Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu
hàng TCMN chỉ quanh mức 1,5 tỷ USD/năm, bình quân một lao động chỉ làm ra khoảng
300 USD/năm, quá thấp so với lượng làng nghề và lao động (khoảng 3,5 triệu lao
động)” - ông Thiều chia sẻ.
Doanh nghiệp làng nghề đã phần nào nhận thức được hệ quả
của chậm đổi mới mẫu mã, tuy nhiên việc khắc phục lại rất khó khăn. Theo đại diện
Công ty An Đô (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), không phải doanh
nghiệp nào cũng đủ khả năng trả lương cho một nhóm thiết kế chuyên nghiệp để tạo
ra sản phẩm mới. An Đô cũng đã từng hợp tác với một số trung tâm hoặc nhà thiết
kế để làm theo kiểu thời vụ nhưng gặp nhiều trở ngại trong vấn đề xác định quyền
tác giả và luôn bị động về nhân lực.
Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong (Nghệ
An) - bày tỏ: Mức đầu tư cho thiết kế mẫu mã sản phẩm là rất lớn. Ngoài lương
chính, doanh nghiệp còn phải chi trả cho lực lượng thiết kế các khoản chi phí
tham dự hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế nhằm tìm hiểu về thị trường,
xu hướng tiêu dùng.
Trước hiện trạng trên, chuyên gia Vũ Hy Thiều vẫn nhấn mạnh:
Các nghệ nhân, thợ giỏi vẫn là lực lượng quyết định về chất lượng thẩm mỹ của sản
phẩm làng nghề, vì vậy, đầu tư cho con người là giải pháp quan trọng nhất. Cần
tổ chức các khóa đào tạo theo phương thức vừa học vừa làm nhằm tăng khả năng cọ
xát thực tế cũng như tạo thêm một phần thu nhập, hấp dẫn lao động học nghề. Tổ
chức tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường, xu hướng tiêu dùng và các cuộc
thi thiết kế tìm kiếm sản phẩm nổi bật và hỗ trợ công tác quảng bá.
Xuất phát từ kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu mặt hàng gốm
sứ, bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện
Gia Lâm, thành phố Hà Nội) - chia sẻ: Mỗi doanh nghiệp, làng nghề cần tự nỗ lực
vươn lên, đánh giá năng lực bản thân, tìm hiểu thị trường để có lựa chọn phân
khúc sản phẩm phù hợp; đầu tư thỏa đáng cho bao bì nhằm thu hút sự quan tâm của
khách hàng ngay thời điểm ban đầu; cung cấp đầy đủ thông tin về xuất xứ, nguồn
gốc, chất liệu... của sản phẩm. Các doanh nghiệp trong cùng một làng nghề cần
có sự liên kết để có thể thực hiện những đơn hàng lớn mà một cơ sở không đảm
đương được.
Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch
Hiệp hội Làng nghề Việt Nam:
“Cần phải quy hoạch lại hệ thống làng nghề trong cả nước,
khuyến khích phát triển các làng nghề mang đặc trưng của vùng văn hóa, xây dựng
ngân hàng dữ liệu làng nghề Việt Nam nhằm lưu giữ, bảo tồn và tạo điều kiện tốt
nhất cho phát triển làng nghề gắn với du lịch.”