Đăng ký chỉ dẫn địa lý: Doanh nghiệp cần được trợ giúp
Sáng nay (1/7), Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức hội thảo “Chỉ dẫn địa lý và những cam kết trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu” tại TP. Hồ Chí Minh. Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết, chỉ dẫn địa lý đang trở thành tài sản thương mại có giá trị và có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế xã hội ở cả cấp độ quốc gia và khu vực.
Do đó, việc bảo hộ đối với loại tài sản này là vô cùng cần
thiết. Tuy nhiên nếu chỉ dừng ở việc bảo hộ mà không thực hiện các hoạt động quảng
bá mạnh mẽ ra thị trường cũng như thực hiện các biện pháp kiểm soát tốt đối với
tài sản này thì việc khai thác, thương mại hóa các chỉ dẫn sẽ không mang lại
hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Cũng theo ông Lâm, châu Âu là thị trường rộng lớn nhưng
Việt Nam mới chỉ được bảo hộ duy nhất một chỉ dẫn địa lý tại thị trường này (nước
mắm Phú Quốc), trong khi ở trong nước có 47 chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc Việt
Nam được bảo hộ. Rõ ràng đây là vấn đề lớn, rất đáng được quan tâm trong bối cảnh
hiện nay- ông Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Đào Đức Huấn- Giám đốc Trung tâm Phát triển
nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn,
đa phần chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là các sản phẩm tươi sống, nhiều sản phẩm bảo
hộ là sản phẩm nguyên liệu (hạt cà phê, hoa hồi, vỏ quế…), 4 chỉ dẫn địa
lý phi thực phẩm (thuốc lào Tiên Lãng, cói Nga Sơn, nón lá Huế và hoa mai vàng
Yên Tử).
Dù đã cấp chỉ dẫn địa lý nhưng việc bảo hộ cho các sản phẩm
này còn khó khăn do không có quy định cụ thể về quản lý chỉ dẫn địa lý (cấp quyền,
kiểm soát, quy hoạch vùng bảo hộ…); mô hình tổ chức quản lý không đồng nhất;
thiếu một cơ sở pháp lý chung trong quản lý; chỉ dẫn địa lý chưa thành dấu hiệu
nhận diện trên thị trường…
Bà Nguyễn Thị Tịnh - Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc
- thông tin, nước mắm Phú Quốc dù đã được bảo hộ ở châu Âu nhưng chưa phát triển
tiếp thị và quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng châu Âu biết đến nhiều. Thêm
đó, sản phẩm nước mắm Phú Quốc vẫn chưa đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại các
nước khác nên đang bị các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng đăng ký ở Thái Lan,
Trung Quốc, Hồng Kông…
Bà Tịnh kiến nghị, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện các
quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc theo các quy định của
châu Âu. Đồng thời hỗ trợ hoạt động quảng bá, thương mại cho sản phẩm nước mắm
cũng như hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này tại các nước có tiềm
năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội cà
phê Buôn Ma Thuột - cho hay, mặc dù cà phê Buôn Ma Thuột đã đăng ký bảo hộ tại
17 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã được bảo hộ tại 11/17 nước nhưng hoạt động bảo
hộ cho sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân của thực trạng này là do thiếu kinh phí
thực hiện đánh giá chứng nhận, chưa được người tiêu dùng cuối cùng nhận biết và
công tác quảng bá xúc tiến thương mại trong, ngoài nước còn yếu… Ông Minh
đề xuất, cơ quan quản lý cần hỗ trợ mở rộng phạm vi bảo hộ và đăng ký bảo hộ
ngoài nước, hỗ trợ đánh giá chứng nhận, hỗ trợ việc thành lập quỹ phát triển
ngành cà phê…