Để thúc đẩy xuất khẩu (XK), nâng cao giá trị gạo Việt Nam, bên cạnh giải pháp thị trường, việc đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất cũng là giải pháp rất quan trọng. Đây là khẳng định của ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Xin ông cho biết nhận
định về tình hình XK gạo trong năm nay?
Năm 2016, tình hình
XK gạo có những diễn biến phức tạp. Trong quý I, lượng và giá trị gạo XK đột
nhiên tăng cao. Nguyên nhân khiến lượng tăng là do doanh nghiệp (DN) phải trả
các đơn hàng lớn từ cuối năm 2015. Nhiều thời điểm, DN phải gom gạo để trả những
đơn hàng cũ nhưng không đủ cho nhu cầu. Đến quý II, sau khi trả hết các đơn
hàng lớn, kim ngạch XK gạo bắt đầu giảm dần. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của hạn hán
và xâm nhập mặn đã khiến lượng gạo vụ đông xuân giảm khoảng 1 triệu tấn, dẫn đến
giá tăng.
Từ nay đến hết năm,
thị trường gạo được nhận định tiếp tục có nhiều diễn biến khó lường khi Thái
Lan vẫn xả kho gạo với khối lượng rất lớn, làm ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị
trường. Ngoài ra, do thiếu hụt 1 triệu tấn gạo sau vụ đông xuân nên tổng lượng
gạo để XK cho cả năm nay sẽ giảm. Đầu năm, cả nước đặt kế hoạch XK 6,5 triệu tấn
nhưng khả năng chỉ XK được khoảng 5,5 - 5,6 triệu tấn.
Theo ông, việc Chính
phủ Thái Lan tiếp tục xả kho gạo - có thông tin khoảng 3,7 triệu tấn gạo - sẽ
gây ảnh hưởng như thế nào đến XK gạo?
Tôi cho rằng, việc
Thái Lan xả kho gạo sẽ có ảnh hưởng đến XK gạo của Việt Nam. Nguyên nhân do lượng
gạo này đã lưu kho lâu nên chất lượng không còn cao và chỉ đủ tiêu chuẩn để XK
đến một số thị trường không đòi hỏi nhiều về chất lượng như Trung Quốc, Đông
Nam Á, châu Phi - các thị trường truyền thống của Việt Nam.
Trong khi đó, xét về
chủng loại gạo XK, số gạo thơm, gạo chất lượng cao của ta chỉ chiếm khoảng 29%
tổng lượng gạo XK, còn lại phần lớn là gạo phẩm cấp trung bình và thấp. Lượng gạo
này phần lớn XK sang những thị trường mà gạo tồn kho của Thái Lan đang hướng tới.
Với quyết tâm xả kho, gạo Thái Lan sẽ được bán với giá tương đối ưu đãi và cạnh
tranh mạnh với gạo của nước ta.
Để giải quyết vấn đề
này, chủ trương của Bộ NN&PTNT là phối hợp với các Bộ, ngành, trong đó có Bộ
Công Thương để làm tốt công tác dự báo thông tin về thị trường; đề ra giải pháp
mạnh để giữ vững các thị trường. Về lâu dài, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm lúa
gạo có chất lượng cao hơn để đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một số
thị trường truyền thống…
Để đẩy mạnh sản xuất
gạo chất lượng cao, nâng cao giá trị kim ngạch XK, Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện
những giải pháp nào, thưa ông?
Hiện nay, để khuyến
khích người dân chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, Bộ NN&PTNT đã đưa ra
nhiều giải pháp như giảm chi phí đầu vào cho người nông dân về giống, thuốc trừ
sâu... Bên cạnh đó, đưa giống chất lượng cao vào sản xuất. Nếu như trước đây,
nông dân chủ yếu trồng các giống lúa bình thường để XK sang một số thị trường
truyền thống thì hiện nay, nông dân đã đưa được tương đối nhiều giống lúa chất
lượng cao vào sản xuất. Đơn cử, diện tích lúa thơm ở đồng bằng sông Cửu Long từ
chỗ chưa đáng kể hiện đã chiếm khoảng 29%.
Diện tích lúa chất lượng
cao tăng lên sẽ giúp Việt Nam có cơ hội đưa gạo ra nhiều thị trường trong khu vực
và trên thế giới. Hiện nay, một số DN ở đồng bằng sông Cửu Long đã XK thành
công một số loại gạo sang các thị trường khó tính như Úc, Nhật Bản, Mỹ…
Xin cảm ơn ông!
“Những
tháng cuối năm 2016, Bộ NN&PTNT khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng
lúa ở những vùng có tiềm năng để đẩy mạnh sản xuất lúa gạo trong vụ hè thu và
thu đông, bù đắp một phần cho lượng lúa gạo thiếu hụt sau vụ đông xuân.”