SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chính thức áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài

[19/07/2016 09:15]

Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương cho biết, sau thời gian áp thuế tự vệ tạm thời 200 ngày đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu, căn cứ vào các kết quả điều tra, thông tin tổng hợp từ các bên, theo đúng quy định của pháp luật, hôm nay, ngày 18/7/2016, Bộ Công Thương đã chính thức ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu.

Cụ thể, ngày 25/12/2015, theo yêu cầu của một số doanh nghiệp sản xuất, bao gồm: Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Thép Việt Ý. Thực thi nghĩa vụ quy định tại Pháp lệnh Tự vệ số 42/2002, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 14296/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài. Theo đó, sản phẩm bị điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ bao gồm phôi thép (dùng để sản xuất thép) và thép dài (bao gồm thép thanh, thép que và thép dây) với các mã HS như sau (trong Biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam): 7207.11.00; 7207.19.00; 7207.20.29; 7207.20.99; 7224.90.00; 7213.10.00; 7213.91.20; 7214.20.31; 7214.20.41; 7227.90.00; 7228.30.10; và 9811.00.00.

Thực hiện quy trình luật định, ngày 30/12/2015, Cơ quan điều tra (Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương) đã gửi Bản câu hỏi điều tra tới các bên liên quan gồm: nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu, cơ quan quản lý... để thu thập số liệu nhằm xác minh chi tiết cụ thể như: có tình trạng nhập khẩu gia tăng đột biến hay không; mức độ thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; mối quan hệ nhân quả giữa việc gia tăng nhập khẩu và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Sau khi xem xét, nghiên cứu thông tin từ các Bản trả lời câu hỏi điều tra do các bên liên quan cung cấp, từ ngày 29/1 đến ngày 23/2/2016 Cơ quan điều tra đã tiến hành thẩm tra tại chỗ các doanh nghiệp sản xuất trong nước để xem xét tính xác thực của các thông tin do các bên liên quan cung cấp.

Căn cứ Kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra, ngày 7/3/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, với mức thuế 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung. Theo quy định của pháp luật, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày.

Tiếp đó, ngày 5/5/2016, thực hiện quy trình luật định, Cơ quan điều tra đã tổ chức Phiên tham vấn công khai với sự tham gia của hơn 100 đại diện đến từ các nhà sản xuất trong nước, nhà nhập khẩu, nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao các nước và cơ quan quản lý khác. Tại phiên tham vấn, Cơ quan điều tra đã ghi nhận toàn bộ các ý kiến ủng hộ cũng như ý kiến phản đối vụ việc của các bên liên quan, và thể hiện những ý kiến này cũng như ý kiến phản hồi của Cơ quan điều tra trong bản Báo cáo cuối cùng.

Ngày 25/6/2016, Cơ quan điều tra đã hoàn tất bản Báo cáo cuối cùng và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét phê duyệt. Thực hiện quy trình luật định, ngày 11/7/2016, Cơ quan điều tra cũng đã gửi bản Báo cáo cuối cùng tới các bên liên quan để đóng góp ý kiến và trình bày quan điểm, kiến nghị của mình.

Sau khi xem xét các phân tích, đánh giá trong bản Báo cáo cuối cùng của Cơ quan điều tra, ý kiến đóng góp của các cơ quan quản lý và quan điểm, kiến nghị của các bên liên quan, ngày 18/7/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu. Theo Quyết định này, mức thuế tự vệ chính thức đối với phôi thép được giữ nguyên ở mức 23,3%, đối với thép dài mức thuế tăng nhẹ từ 14,2% lên 15,4%.

Tuy nhiên, theo quy định của Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà Việt Nam là thành viên, Bộ Công Thương cũng đã quyết định lộ trình áp thuế tự vệ theo hướng giảm dần đối với các mặt hàng phôi thép và thép dài, cụ thể như: Từ ngày 22/3/2016 (ngày Quyết định áp dụng biện pháp tạm thời có hiệu lực) đến ngày 01/8/2016 đối với phôi thép là 23,3% (mức thuế tự vệ tạm thời); đối với thép dài là 14,2% (mức thuế tự vệ tạm thời). Từ ngày 2/8/2016 (ngày Quyết định áp dụng biện pháp chính thức có hiệu lực) đến ngày 21/3/2017 đối với phôi thép là 23,3% (mức thuế tự vệ chính thức); đối với thép dài là 15,4% (mức thuế tự vệ chính thức). Kể từ ngày 22/3/2017 đến ngày 21/3/2018 thuế đối với phôi thép là 21,3%; đối với thép dài là 13,9%. Từ ngày 22/3/2018 đến ngày 21/3/2019 thuế đối với phôi thép là 19,3%; thép dài là 12,4%. Từ ngày 22/3/2019 đến ngày 21/3/2020 thuế đối với phôi thép là 17,3%; đối với thép dài là 10,9%. Đặc biệt, từ ngày 22/3/2020 trở đi thuế đối với phôi thép sẽ về 0% (nếu không gia hạn); và thuế đối với thép dài là 0% (nếu không gia hạn).

Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, cơ sở Bộ Công Thương ban hành Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức được dựa trên các kết luận sau đây của Cơ quan điều tra tại Báo cáo cuối cùng, như: Sản lượng nhập khẩu phôi thép và thép dài vào Việt Nam, đặc biệt là phôi thép đã có sự gia tăng đột biến trong giai đoạn 2012-2015, nổi trội là năm 2015; trên cơ sở tổng hợp các chỉ số đánh giá thiệt hại theo quy định của WTO và Pháp lệnh về Tự vệ của Việt Nam đã xảy ra thiệt hại nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất phôi thép và thép dài của Việt Nam trong giai đoạn 2012-2015, đặc biệt là năm 2015; có tồn tại mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa sự gia tăng của hàng nhập khẩu và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Từ đó tác động nghiêm trọng tới kinh tế xã hội, tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói chung và biện pháp tự vệ nói riêng luôn mang lại tác động 2 chiều như: có lợi cho ngành sản xuất hàng hóa bị áp  thuế và cho các ngành sản xuất thượng nguồn của hàng hóa đó; bất lợi cho ngành sản xuất hạ nguồn hoặc cho người tiêu dùng cuối cùng.

Cả 2 hướng tác động nói trên đều đã được luật pháp quốc tế (các quy định của WTO) và pháp luật Việt Nam tính đến dựa trên các nguyên tắc sau đây, như: Coi trọng việc thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Đồng thời, có biện pháp để bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước trước sự gia tăng đột biến của hàng nhập khẩu; Coi trọng sự ổn định của sản xuất và việc làm trong trung hạn và dài hạn, không vì những lợi ích ngắn hạn, trước mắt mà để xảy ra tình trạng đình đốn sản xuất, thậm chí phá sản, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực, lâu dài cho việc làm và thu nhập của người dân, chưa kể đến việc thị trường trong nước bị hàng nhập khẩu chiếm lĩnh và thao túng.

Các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có biện pháp tự vệ, không được áp dụng vĩnh viễn mà chỉ áp dụng cho tới khi môi trường cạnh tranh công bằng đã được thiết lập trở lại (đối với biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp) hoặc sau một thời gian hợp lý để sản xuất trong nước có điều kiện phục hồi và tái cơ cấu, đủ sức đứng vững trong cạnh tranh (đối với biện pháp tự vệ).

Lưu ý, quan điểm không đặt ra yêu cầu phải triệt tiêu tác động bất lợi; chỉ đưa ra các quy định về rà soát giữa kỳ để đảm bảo biện pháp tự vệ không tiếp tục được áp dụng trong trường hợp ngành sản xuất trong nước không còn chịu thiệt hại, hoặc đe dọa gây thiệt hại từ hàng hóa nhập khẩu.

Bộ Công Thương, với tư cách là cơ quan thực thi pháp luật phòng vệ thương mại đã tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc nói trên, cũng như các quy định của WTO và pháp luật Việt Nam trong toàn bộ quá trình khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài. 

Theo đó, việc áp thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu chính thức có hiệu lực kể từ ngày 18/7/2016.

“Các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có biện pháp tự vệ, không được áp dụng vĩnh viễn mà chỉ áp dụng cho tới khi môi trường cạnh tranh công bằng đã được thiết lập trở lại (đối với biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp) hoặc sau một thời gian hợp lý để sản xuất trong nước có điều kiện phục hồi và tái cơ cấu, đủ sức đứng vững trong cạnh tranh (đối với biện pháp tự vệ).”

baocongthuong.com.vn (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài