Đồng Nai: Thiết lập thị trường kinh doanh vàng minh bạch
Nhiều cơ sở kinh doanh vàng và trang sức mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được lấy mẫu kiểm tra về tuổi vàng và chất lượng.
Chi cục
TĐC hỗ trợ doanh nghiệp xác định đúng hàm lượng vàng
Kết quả, hầu hết các cơ sở
này đều vi phạm về tuổi vàng và hàm lượng công bố, với số tiền bị xử phạt gần 1
tỷ đồng. Động thái “ra quân” của Sở KH&CN Đồng Nai đã tạo ra hiệu ứng tích
cực trong việc thiết lập thị trường kinh doanh vàng minh bạch, tạo sự cạnh
tranh bình đẳng trên địa bàn tỉnh.
Tỷ lệ vàng không như công bố
Thực hiện văn bản số
595/TĐC-QLCL ngày 15/4/2015 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) về
triển khai kế hoạch kiểm tra đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa vàng trang sức
mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, Sở KH&CN Đồng Nai đã ra quân thanh kiểm
tra, xử lý các doanh nghiệp kinh doanh vàng vi phạm, kết hợp với việc tuyên
truyền khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện đăng ký kiểm tra công bố tuổi
vàng nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch.
Ông Phạm Văn Tám - Phó Chủ
tịch Hiệp hội Kim hoàn TP HCM cho rằng việc Sở KH&CN tổ chức kiểm tra nhằm
hướng dẫn, nhắc nhở, định hướng cho doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn Đồng
Nai, đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, nhận được sự hoan nghênh của nhiều doanh
nghiệp, người dân. Việc này góp phần ngăn chặn hành vi gian lận trong sản xuất
và kinh doanh vàng, lành mạnh hóa thị trường vàng, giúp bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo ông Phạm Văn Sáng,
Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai, trong tháng 5/2016, Chi cục Tiêu chuẩn Đo
lường Chất lượng đã tiến hành kiểm tra 35 doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức,
mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh. Kết quả cả 35 doanh nghiệp này đều vi phạm hàm lượng
vàng với mức độ khá nghiêm trọng. Cụ thể, vàng 23K tương đương hàm lượng vàng
98% theo công bố, kết quả kiểm tra cho thấy sản phẩm đúng hàm lượng vàng chỉ đạt
bình quân 93,5%, có doanh nghiệp chỉ đạt 65,57%. Vàng 18K tương đương hàm lượng
vàng 75% theo công bố, kết quả kiểm tra cho thấy sản phẩm đúng hàm lượng vàng
chỉ đạt bình quân 73%, có doanh nghiệp chỉ đạt 65%. Vàng 16K tương đương hàm lượng
vàng 68%, kết quả kiểm tra cho thấy sản phẩm đúng hàm lượng vàng chỉ đạt bình
quân 65%, có doanh nghiệp chỉ đạt 62,5%. Với vàng 14K tương đương hàm lượng
vàng 61%, sản phẩm đúng hàm lượng vàng chỉ đạt bình quân 58%, cá biệt có doanh
nghiệp chỉ đạt 37%. Sở đã lập biên bản xử lý các doanh nghiệp này với số tiền gần
1 tỷ đồng.
Sau khi hàng loạt tiệm
vàng bị phát hiện bán kém chất lượng, nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện đăng ký
liên hệ thử vàng trước đợt tổng kiểm tra lớn của đoàn liên ngành tỉnh Đồng Nai.
Chỉ tính riêng trong
tháng 6/2016, có 170 doanh nghiệp kinh doanh vàng nộp đơn xin được hỗ trợ đánh
giá lại chính xác tuổi vàng để thực hiện công bố và ghi tem, nhãn lại cho phù hợp
với thực tế nhằm thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc sản xuất, kinh
doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. “Việc thanh kiểm tra không chỉ đơn thuần là xử
phạt mà còn kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất
nhằm thiết lập môi trường kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ lành mạnh, tạo sự cạnh
tranh bình đẳng”, ông Sáng nhấn mạnh.
Không chỉ tạo sự minh bạch,
cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh vàng, hoạt động thanh kiểm tra các cơ sở
kinh doanh vàng còn nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân, bởi xét cho
cùng đối tượng được hưởng lợi trực tiếp là người tiêu dùng. Lâu nay, người tiêu
dùng vẫn thụ động trong việc mua bán trao đổi vàng, người bán công bố chất lượng
như thế nào thì người mua biết vậy, không có chứng nhận của cơ quan chức năng
cũng như không có các công cụ đo lường thực tế để kiểm định.
Bà Nguyễn Thị Mai (xã
Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) phấn khởi cho biết, Nhà nước thắt chặt quản lý
chất lượng, hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ sẽ giúp người tiêu
dùng như chúng tôi không bị “móc túi” khi mua vàng. “Thông qua hoạt động
kiểm tra của cơ quan chức năng, nếu muốn kinh doanh lâu dài, các cửa hàng cần
phải đảm bảo về chất lượng, hàm lượng vàng theo đúng công bố”, bà Mai
chia sẻ.
Thanh kiểm tra quy mô lớn – loại bỏ cơ sở kinh doanh gian dối
Bà Đỗ Ngọc Thanh Phương,
Chi cục trưởng Chi cục TĐC Đồng Nai co biết, với hơn 400 tiệm vàng trên địa bàn
toàn tỉnh, việc phát hiện tiệm vàng nào bán non tuổi không phải là chuyện đơn
giản. "Chúng tôi không thể vào kiểm tra từng tiệm vàng được nên phải dùng
biện pháp nghiệp vụ trước để xác định rồi mới tiến hành kiểm tra bằng thiết bị
máy móc hiện đại", bà Phương cho biết.
Theo đó, qua công tác kiểm
tra, không chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi mà bản thân các cơ sở kinh doanh
vàng cũng nâng cao được uy tín, thương hiệu, thông qua việc công khai chất lượng
và kiểm định ngay tại quầy giao dịch. Nhờ vậy thúc đẩy hoạt động mua bán, trao
đổi vàng không chỉ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai mà còn thu hút người tiêu dùng ở
các địa phương lân cận. “Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, xử lý ngăn chặn
hành vi gian lận trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, bảo vệ quyền lợi người
tiêu dùng, tạo lập môi trường kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ lành mạnh, cạnh
tranh công bằng để thúc đẩy phát triển sản xuất và kinh doanh vàng trang sức, mỹ
nghệ một cách bền vững”, bà Phương nhấn mạnh.
|
Thông
báo của Sở KH&CN Đồng Nai nhằm hỗ trợ, khuyến khích người mua thử nghiệm
hàm lượng vàng theo đúng hàm lượng công bố. |
Đánh giá về phương pháp
triển khai, Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai Phạm Văn Sáng nhận định, việc lấy mẫu
không dựa trên sự nghi ngờ, mà dựa trên kết quả kiểm tra chất lượng vàng tại
doanh nghiệp, được thể hiện đầy đủ kết quả cụ thể qua từng lần thử, có ký tên
xác nhận của chủ doanh nghiệp và đính kèm trong từng món nữ trang được lấy mẫu.
Hành động kiên quyết xử
lý vi phạm đồng thời có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã tạo được sự chuyển biến
tích cực từ phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng. Nhiều doanh nghiệp
đã tự giác nấu lại vàng có tuổi vàng thực tế thấp hơn tuổi vàng khắc trên nữ
trang hoặc đem đổi lại nơi sản xuất vàng nữ trang ở thành phố Hồ Chí Minh
(chành vàng) hoặc xin công bố và làm lại tem nhãn phù hợp với tuổi vàng thực tế.
“Nhiều chành vàng uy tín ở thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ phấn khởi với cách
làm của Đồng Nai. Họ rất mong các địa phương khác cũng làm như Đồng Nai để tạo
môi trường kinh doanh lành mạnh giữa các chành vàng. Để đẩy nhanh việc hỗ trợ
doanh nghiệp, Sở KH&CN chấp thuận cho Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
thuê thêm 03 máy quang phổ thử nghiệm hàm lượng vàng và tập trung nhân lực làm
việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Sáng cho biết.
Ông Đỗ Văn Vũ, chủ tiệm
vàng Ngọc Kim Nguyên, xã Tân Hạnh, TP Biên Hòa – Đồng Nai cho biết, từ trước tới
nay, cơ sở của ông thường lấy vàng nguyên liệu từ các chành vàng tại TP Hồ Chí
Minh, hoặc từ các thợ làm vàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên, ngay bản thân ông cũng không
biết hàm lượng vàng có chính xác hay không. “Vàng khi kiểm tra đúng hàm lượng,
độ tuổi, nhưng khi giao cho thợ chế tác, họ có thể làm thay đổi tiêu chuẩn, chất
lượng vàng khiến cho những người kinh doanh cũng khó có thể nhận biết được.
Chúng tôi muốn kiểm tra cho chính xác để chủ hiệu vàng tự tin với chính sản phẩm
của mình bán, không gây thiệt hại cho người mua và cũng là bảo vệ uy tín thương
hiệu của chính mình”, ông Vũ nói.
Cũng theo ông Sáng, thời
gian tới Sở sẽ phối hợp với Công an tỉnh, Sở Công Thương, Ngân hàng Nhà nước
thành lập đoàn liên ngành thanh kiểm tra việc kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ
trên địa bàn toàn tỉnh, để đánh giá một cách khách quan nhất, quyết tâm loại bỏ
những cơ sở kinh doanh vàng gian dối, lập lại thị trường vàng minh bạch, bảo vệ
quyền lợi người tiêu dùng.
www.truyenthongkhoahoc.vn(lntrang)