Tìm hiểu về Quy tắc xuất xứ và các biện pháp phi thuế quan
Nắm vững nội dung về Quy tắc xuất xứ và các biện pháp phi thuế quan trong các FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), doanh nghiệp có thể tận dụng tốt những quy định này, từ đó tăng trưởng được xuất khẩu vào thị trường EU và Hàn Quốc một cách bền vững.
Đó là nhận định của
các chuyên gia tại Hội thảo tập huấn “Quy tắc xuất xứ và các biện pháp phi thuế
quan trong các FTA Việt Nam – EU và Việt Nam - Hàn Quốc: Những vấn đề doanh
nghiệp cần quan tâm” diễn ra ngày 10/8/2016 tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Hội thảo do Dự án Hỗ
trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU- MUTRAP) phối hợp với Sở
Công Thương Đồng Nai tổ chức nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, các
doanh nghiệp nắm vững nội dung về Quy tắc xuất xứ và các biện pháp phi thuế
quan trong các FTA Việt Nam - EU (EVFTA) và Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), để có
thể tận dụng tốt những quy định này, góp phần giúp tăng trưởng xuất khẩu nhờ
tuân thủ nghiêm các quy định của thị trường xuất khẩu và cạnh tranh với các đối
thủ trong khu vực nhờ có được lợi thế về cắt giảm thuế quan từ những hiệp định
này.
Tại hội thảo tập huấn
này, các chuyên gia của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương làm rõ các quy định
về quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định EVFTA và VKFTA, đồng thời hướng dẫn việc
áp dụng bộ quy tắc xuất xứ khi xác định xuất xứ của hàng hóa để biết được hàng
hóa đó khi xuất sang EU hoặc Hàn Quốc, có được hưởng ưu đãi thuế quan theo cam
kết của các hiệp định này không. Bài tập thực hành cũng được chuyên gia đưa ra
sau bài giảng, giúp doanh nghiệp nắm bắt việc áp dụng trên thực tế quy tắc xuất
xứ trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của mình.
Phần thứ hai của hội
thảo tập trung vào các biện pháp phi quan thuế, bao gồm các biện pháp toàn an
thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật đối với thương mại
(TBT) và hải quan, thuận lợi hóa thương mại.
Theo bà Trịnh Thị Thu
Hiền- Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, việc
tuân thủ với các yêu cầu hàng rào kỹ thuật đối với thương mại là điều kiện tiên
quyết để các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể tiếp cận với thị trường EU, Hàn Quốc
và thế giới. Các hiệp định FTA tạo ra một khung khổ về hỗ trợ kỹ thuật, thảo luận
và hợp tác về các vấn đề hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, khuyến khích và
tạo thuận lợi cho việc tuân thủ của hàng xuất khẩu của Việt Nam với các các đối
tác.
Các hiệp định FTA còn
có thể thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng sản
phẩm toàn cầu, thông qua việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy
trình đánh giá sự phù hợp. Các hiệp định FTA sẽ tạo ra một khung khổ pháp lý chặt
chẽ về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, góp phần nâng cao tính minh bạch
hóa, tính ổn định và tính dự báo được, thúc đẩy hoạt động đầu tư của các doanh
nghiệp của cả Việt Nam và các đối tác khác.
Về kiểm dịch động thực
vật (SPS), mức độ cam kết trong Hiệp định VKFTA không sâu, chủ yếu tập trung
vào hợp tác kỹ thuật trong khi Hiệp định EVFTA có các quy định chi tiết, đặc biệt
là Thanh kiểm tra, Công nhận tương đương, Tương thích với điều kiện khu vực.
Trong quá trình triển khai, có thể thấy rõ những thách thức sau: Việc thực thi
giải quyết các vấn đề kiểm dịch động thực vật phải đối mặt với một phạm vi lớn
các quy định pháp lý của quốc gia trong kiểm soát nhập khẩu, liên quan đến nhiều
cơ quan chuyên môn; Sự khác biệt về trình độ phát triển, quy định khác biệt về
kiểm dịch động thực vật và thực tiễn áp dụng tại mỗi quốc gia; Các biện pháp
phi thuế quan đóng vai trò quan trọng trong đàm phán thương mại mở cửa thị trường;
và Chủ nghĩa bảo hộ vẫn còn tồn tại.
Vì vậy, theo Ông Trần
Việt Cường, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ
NN&PTNT, doanh nghiệp cần cập nhật tốt các thông tin về quy định kiểm dịch
động thực vật của các nước và đặc biệt là các tiêu chuẩn hài hòa của ASEAN, tập
trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh nông sản Việt Nam
thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, và có chiến lược thị trường rõ
ràng và hiểu tâm lý, phong tục, tôn giáo của người tiêu dung nước nhập khẩu.
Trong lĩnh vực hải
quan và thuận lợi hóa thương mại, những cam kết về thủ tục và hợp tác hải quan,
và cam kết pháp chế sẽ giúp cơ quan hải quan tiếp cận được với những chuẩn mực
mới, áp dụng phương pháp quản lý hiện đại và giúp công tác quản lý hải quan hiệu
quả và năng động hơn. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, Việt Nam
trong thời gian tới phải tiếp tục nâng cao năng lực của cán bộ công chức làm
trong lĩnh vực hải quan, xây dựng tốt hệ thống thông tin và quản lý rủi ro, đổi
mới phương pháp quản lý. Số thu thuế xuất nhập khẩu cùng sẽ bị tác động lớn bởi
những cam kết này.
Hội thảo là đã cung cấp
những hữu ích cho doanh nghiệp, từ đó khai thác được những lợi thế mà các hiệp
định mang lại, đồng thời có kế hoạch nâng cao sức cạnh tranh và khắc phục những
bất lợi mà doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian tới.