Khai thác và phát triển nguồn gen bào ngư vành tai (Haliotis asinina)
Bào ngư vành tai (Haliotis asinina Linnaeus 1758) có giá trị dinh dưỡng, giá trị y dược và giá trị xuất khẩu cao. Thịt bào ngư vành tai thơm ngon, độ đạm cao (22-24%) là thức ăn được ưa chuộng ở các nước, lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc,… Số lượng bào ngư khai thác tự nhiên trước năm 1990 của Việt Nam đạt từ 50-100 tấn/năm và giảm dần chỉ còn khai thác được khoảng 20-30 tấn/năm. Ở Việt Nam có 4 loài bào ngư phân bố, đó là bào ngư chín lỗ Haliotis deversicolor Reeve, 1846, bào ngư dài Haliotis varia Linnaeus 1758, bào ngư bầu dục Haliotis Gmelin, 1791 và bào ngư hình vành tai Haliotis asinina Linnaeus 1758. Trong đó, bào ngư vành tai phân bố khá phổ biến ở vùng biển miền Trung và miền Nam Việt Nam.
Hiện nay, tình trạng khai
thác một số nguồn gen một cách tự phát thiếu quy hoạch, sự thay đổi khí hậu và
nạn ô nhiễm biển ngày càng trầm trọng dẫn đến nhiều loài động, thực vật nói
chung và loài bào ngư nói riêng đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc
khai thác bất hợp lý, phá hoại sinh cảnh (rừng ngập mặn và rạn san hô) như dùng
chất độc cyanua, chất nổ và xung điện đã làm cạn kiệt nhiều loài sinh vật biển
quý hiếm. Vì vậy, biện pháp cấp bách nhất hiện nay trên thế giới cũng như của
nước ta là bảo tồn được nguồn gen quý hiếm, trong đó có loài bào ngư vành tai
(Haliotis asinina).
Việc bảo tồn và phát triển
nguồn lợi bào ngư vành tai đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay cần phải tạo đàn
bào ngư bố mẹ phục vụ cho sinh sản nhân tạo, sản xuất giống, nuôi thương phẩm,
thì việc bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn lợi bào ngư vành tai mới thật sự
bền vững.
Xuất phát từ nhu cầu
trên, Bộ KH&CN thông qua nhiệm vụ khai thác và phát triển nguồn gen cấp Nhà
nước, đã giao Chi nhánh ven biển, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga cùng Chủ nhiệm
đề tài CN. Ngô Chí Thiện thực hiện Đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen
bào ngư vành tai (Haliotis asinina)”, nhằm giải quyết một phần nhu cầu con giống
cho người nuôi và xây dựng mô hình nuôi thương phẩm phù hợp với điều kiện kinh
tế của người dân. Thời gian thực hiện đề tài từ năm 2011 đến năm 2014.
Trong thời gian nghiên cứu,
đề tài đã thu lại được những kết quả như sau:
- Xây dựng đàn bào ngư
vành tai bố mẹ: thu gom và nuôi vỗ đàn bào ngư vành tai bố mẹ kích thước trung
bình là 64.58 2,15mm với số lượng 947 con; Nuôi vỗ bào ngư bằng hình thức lồng
treo ngoài biển có tỷ lệ thành thục sinh dục và sức sinh sản cao hơn bào ngư
nuôi vỗ trong bể xi măng; Bào ngư vành tai nên nuôi vỗ ở độ sâu lồng treo là
2,5 và mật độ 16 con/lồng (kích thước 30x40cm); Phương pháp kích thích kết hợp
giữa sốc nhiệt và đèn cực tím cho hiệu quả sinh sản cao hơn so với kích thích bằng
phương pháp sốc nhiệt.
- Hoàn thiện quy trình
công nghệ sản xuất giống bào ngư vành tai: Thu trứng, rửa và ấp trong nước biển
đã xử lý cho tỷ lệ nở cao nhất và tỷ lệ dị hình của ấu trùng thấp nhất. Với
phương pháp này, có thể ấp trứng bào ngư ở mật độ 9 trứng/mL, tốt nhất 3-5 trứng/mL.
- Hoàn thiện quy trình
nuôi bào ngư vành tai thương phẩm: Địa điểm được lựa chọn để nuôi bào ngư
thương phẩm có chất lượng môi trường nước như sau: độ mặn 33-35%, nhiệt độ từ
27-30oC, pH từ 7,8-8,2, Do >5mg/L và quan trọng nhất là TSS<6 mg/L; Lồng
nuôi bào ngư thương phẩm nên lựa chọn lồng nhựa hình tròn (30x40x30 cm), có bổ
sung 3 giá bám là các ống nhựa PVC; Mật độ thích hợp khi nuôi bào ngư vành tai
kích thước ban đầu 10-12mm là 60 con/lồng (30x40x30cm). Mật độ thích hợp khi
nuôi bào ngư vành tai kích thước ban đầu 37-40mm là 30 con/lồng (30x40x28cm);
khi nuôi bào ngư thương phẩm nên vệ sinh lồng 1 tuần/ lần; bệnh thường gặp khi
nuôi bào ngư thương phẩm là bệnh do sinh vật bám, bệnh nấm và bệnh do ký sinh
trùng; sau 8 đợt thả giống, nhiệm vụ đã thu hoạch được 20.900 con bào ngư
thương phẩm.
- Đánh giá giá trị sinh học
của bào ngư vành tai: trong sơ chế bào ngư bằng phương pháp sấy khô, sấy ở nhiệt
độ 40 và 45oC cũng như phơi nắng; Kali sorbat (KS) có tác dụng tố trong việc
ngăn chặn sự phát triển của vi sinh vật có trên bào ngư vành tai; Trong protein
của bào ngư vành tai có đầy đủ các acid amin không thể thay thế. Hàm lượng acid
amin trong bào ngư vành tai nuôi thương phẩm trong điều kiện nhân tạo tương
đương với hàm lượng acid amin đánh bắt ngoài tự nhiên.
Có thể tìm đọc toàn văn nội dung đề tài với mã số 11070 tại Cục Thông
tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia./.