Xây dựng thương hiệu: Muốn “thắng”, Nhà nước và DN phải đồng hành
Vấn đề xây dựng, quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp không đơn giản. Muốn đạt được hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, tinh thần chủ động, tích cực tham gia của doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Trao đổi với báo chí
bên lề Hội thảo “Quảng bá thương hiệu sang thị trường Vương quốc Anh” diễn ra
hôm nay 9-9, tại Hà Nội, ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương
mại (Bộ Công Thương), cho biết: Vương quốc Anh hiện là trung tâm tài
chính hàng đầu thế giới và là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Âu.
Anh cũng chính là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
trong khối EU.
Nếu có thể làm tốt
việc quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp cũng như sản phẩm xuất khẩu vào Anh
thì sẽ có điều kiện nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng sản phẩm cũng như hình
ảnh của Việt Nam tại thị trường này.
Tuy nhiên, suốt thời
gian qua, nhiều sản phẩm của Việt Nam như dệt may, da giày… dù được bán vào thị
trường Anh, song số lượng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam chưa nhiều, chủ
yếu là hàng gia công.
Đối với mặt hàng xuất
khẩu có thế mạnh của Việt Nam đã xuất khẩu sang Anh là nông, thủy sản, khâu xây
dựng thương hiệu cho sản phẩm chế biến cũng chưa đạt yêu cầu để có thể
trực tiếp xuất khẩu nên chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô hoặc dưới thương hiệu
của nước ngoài. Cũng có trường hợp, các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam sử
dụng nguồn nguyên liệu của Việt Nam đem chế biến, tạo sản phẩm hoàn chỉnh rồi
xuất khẩu dưới thương hiệu của họ.
“Trên thực tế, không
chỉ tại thị trường Anh mà tại nhiều nước nhập khẩu hàng hóa lớn trên thế giới,
các đối tác đều đánh giá Việt Nam có nhiều khả năng sử dụng thương hiệu quốc
gia trực tiếp bán hàng cho đối tác, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản. Tuy
nhiên, muốn làm được điều này, Nhà nước và doanh nghiệp phải đồng hành chặt chẽ
hơn nữa. Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, đưa doanh nghiệp đi quảng bá thương
hiệu, còn doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng cho mình”, ông
Lang nói.
Mặc dù vậy, theo ông
Lang, việc xây dựng, quảng bá thương hiệu hiện chưa được doanh nghiệp quan tâm
đúng mức. Tình trạng này xảy ra ngay đối với doanh nghiệp lớn chứ không chỉ tại
các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Doanh nghiệp chủ yếu quan tâm khâu sản
xuất, phân phối sản phẩm mà lơ là trong vấn đề thương hiệu.
Đối với các doanh
nghiệp có sự chú tâm đến xây dựng thương hiệu thì có một loạt vấn đề phải đầu
tư, nảy sinh khó khăn về chi phí. Khó khăn đầu tiên chính là chi phí để tìm
hiểu thị trường, sau đó là chi phí để làm truyền thông, phát triển thương
hiệu…
Đối với Chương trình
Thương hiệu Quốc gia, cơ quan quản lý Nhà nước có mạng lưới chuyên gia
trong và ngoài nước có thể giúp giảm thiểu được những chi phí mà doanh nghiệp
phải trả trong xây dựng, quảng bá thương hiệu so với doanh nghiệp tự làm. Tuy
nhiên, hiện nay nguồn lực đầu tư cho chương trình cũng chưa thực sự thỏa đáng.
Bởi vậy, hy vọng thời gian tới Nhà nước sẽ có sự đầu tư nhiều hơn nữa cho
chương trình này như một số nước trong khu vực đã làm.
“Điều đó sẽ hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp trong quá
trình xây dựng, quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhắc lại rằng,
khi Nhà nước dành nguồn lực phù hợp để cùng doanh nghiệp giải quyết vấn đề
thương hiệu thì quan trọng hơn là doanh nghiệp cũng phải chủ động phối hợp,
cùng đầu tư nguồn lực để đem lại hiệu quả như mong đợi”, ông Lang nhấn mạnh.