Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ, thiết kế, chế tạo các máy để cơ giới hóa canh tác và thu hoạch sắn ở vùng sản xuất sắn tập trung”
Ngày 03/3/2011, tại Hà Nội, Viện cơ điện nông nghiệp sau thu hoạch đã nghiệm thu cấp nhà nước đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ, thiết kế, chế tạo các máy để cơ giới hóa canh tác và thu hoạch sắn ở vùng sản xuất sắn tập trung” mã số KC.07.07/06-10 do TS Hà Đức Thái, Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội là chủ nhiệm đề tài.
Đây là đề tài thuộc chương trình khoa
học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công
nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn”, được thực
hiện từ tháng 12/2007 đến tháng 6/2010.
Nhóm các nhà khoa học của đề tài đã
dùng biện pháp thu thập và xử lý thông tin qua nhiều kênh như phương pháp tham
khảo ý kiến chuyên gia; phương pháp nghiên cứu lý thuyết; phương pháp nghiên
cứu thực nghiệm.. với một hệ thống máy vi tính và các chương trình phần mềm
phục vụ cho tính toán thiết kế, vẽ kỹ thuật, giải các bài toán cơ và bài toán
kinh tế; hệ thống các thiết bị đo lường hiện đại xác định chất lượng làm việc
và năng lượng của máy. Sau 3 năm thực hiện, đề tài đã cho ra đời 8 mẫu máy phục
cho nhiều công đoạn như: cuốc vùi, xới phay, chuẩn bị hom sắn, băm thân lá sắn
và đào nhổ củ sắn,…
Địa điểm thực hiện mô hình thử nghiệm
được thực hiện tại hai tỉnh có sản xuất sắn tập trung là Ninh Bình và Đồng Nai
đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tại Ninh Bình, mô hình được thực hiện tại
Xã Sơn Lai, huyện Nho Quan với diện tích sắn khoảng 20ha, diện tích thực hiện
cơ giới hóa đồng bộ các khâu khoảng 6-7ha trong 2 năm. Tại diện tích ứng dụng
cơ giới hóa đồng bộ của đề tài cây sắn phát triển tốt và cho năng suất cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được về mặt
kinh tế, kỹ thuật đề tài còn vượt mức yêu cầu về chỉ tiêu đào tạo, có 6 Thạc sĩ
đã bảo vệ thành công (vượt so với đăng ký ban đầu là 2-3 Thạc sĩ). Đăng được 4
bài báo trên tạp chí và hội nghị chuyên ngành.
Theo đánh giá của tổ chuyên gia thẩm
định đề tài, thì đề tài đã hoàn thành số lượng, khối lượng, chủng loại các sản
phẩm KHCN cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Đề tài đã lựa chọn, thiết kế
và chế tạo thành công hệ thống máy phục vụ cơ giới hóa canh tác và thu hoạch
sắn; các tiếp cận, phương pháp nghiên cứu hợp lý nên kết quả của đề tài có độ
tin cậy; các chỉ tiêu chất lượng, yêu cầu khoa học của các máy móc cơ bản đạt yêu
cầu, bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.