BAN CHỈ ĐẠO VÀ BAN THƯ KÝ CHƯƠNG TRÌNH 68 GIAI ĐOẠN 2011-2015 HỌP PHIÊN THỨ NHẤT
Ngày 22/03/2011, Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân - Trưởng ban Chỉ đạo đã chủ trì phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo, Ban Thư ký Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 (được phê duyệt theo Quyết định số 2204/QĐ-TTg ngày 06 tháng 12 năm 2010) nhằm thống nhất kế hoạch tổ chức triển khai Chương trình, cho ý kiến về các Dự thảo văn bản hướng dẫn quản lý, triển khai Chương trình và tổng kết Chương trình giai đoạn 2005-2010.
Tham dự phiên họp có 3 (trên tổng số 6) thành viên Ban Chỉ đạo và 13 (trên tổng số 17) thành viên Ban Thư ký, các đại biểu đại diện các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ và các cán bộ Văn phòng Chương trình.
Theo các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban Chỉ đạoChương trình giai đoạn 2011-2015 là Thứ trưởng Thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Trưởng Ban Thư ký là Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Tạ Quang Minh.
Các đại biểu đã nghe đồng chí Hoàng Văn Tân, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Trưởng ban Thư ký Chương trình giai đoạn 2005-2010 và là Thành viên Ban chỉ đạo Chương trình giai đoạn 2011-2015 báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2005-2010, trong đónêu rõ những kết quả đã đạt được sau 5 năm tổ chức triển khai Chương trình 68; những mặt tích cực và mặt hạn chế trong công tác tổ chức triển khai Chương trình;đánh giá hiệu quả của Chương trình về các khía cạnh kinh tế, xã hội cũng như thực tiễn và báo cáo kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình giai đoạn 2005-2010 dự kiến vào ngày 22/4/2011 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Hà Nội.
Các đại biểu cũng đã nghe Báo cáo công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình (bao gồm Dự thảo Thông tư hướng dẫn tuyển chọn và quản lý dự án thuộc Chương trình và Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính đối với Chương trình), và quá trình xử lý các ý kiếngóp ý của các Bộ, ngành, đơn vị liên quan và Báo cáo công tác xây dựng dự toán, tình hình cấp phát kinh phí năm 2011 và công tác xây dựng kế hoạch kinh phí năm 2012.
Các đại biểu tại phiên họp đánh giá cao ý nghĩa, hiệu quả và những tác động tích cực của Chương trình giai đoạn 2005-2010. Chương trình đã có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ, một số nội dung đã thực hiện tương đối tốt, mang lại hiệu quả rõ rệt như hỗ trợ xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, đặc biệt là đối với các đặc sản địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, Chương trình còn một số hạn chế như: chưa phát huy được hết tiềm năng trong việc hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; kinh phí được sử dụng từ Chương trình trong 5 năm qua còn ít so với các chương trình khác cũng như so với tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình; ngoài lĩnh vực nông nghiệp, các ngành khác chưa được tham gia nhiều vào Chương trình; một số nội dung quan trọng nhưng chưa triển khai được như mong muốn như hỗ trợ áp dụng sáng chế, hỗ trợ đăng ký sáng chế, hỗ trợ công tác bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ, công tác hỗ trợ liên quan đến bản quyền, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ở các trường đại học, viện nghiên cứu…;
Các đại biểu thống nhất kế hoạch triển khai Chương trình giai đoạn 2011-2015, theo đó sẽ cố gắng triển khai đầy đủ, cân đối các nội dung của Chương trình; tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ; nhân rộng các dự án đạt hiệu quả cao ở giai đoạn 2005-2010; tập trung triển khai các nội dung chưa triển khai được như mong muốn, đặc biệt là một số nội dung mới như hỗ trợ áp dụng các sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai, sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị của các sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng thường trực - Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Quân đã kết luận về những vấn đề được thảo luận tại phiên họp, nhấn mạnh một số nội dung cần tập trung thúc đẩy trong giai đoạn tới như: hỗ trợ đăng ký sáng chế cho các kết quả đề tài, dự án thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước nhằm nâng cao số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam; hỗ trợ các trường đại học mở chuyên ngành về sở hữu trí tuệ và phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ đồng thời đẩy mạnh việc tổ chức triển khai và thực hiện hiệu quả Chương trình./.