Việt Nam chưa có khái niệm “văn hóa sở hữu trí tuệ”
Thực thi quyền sở hữu trí tuệ được coi là một phần chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ hiện vẫn còn nhiều bất cập. Khái niệm “văn hóa sở hữu trí tuệ” hầu như chưa có ở Việt Nam.
Đó là những băn khoăn, trăn trở của ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam (NOIP) khi trao đổi với Đất Việt.
- Ông có thể cho biết về tình hình nghiên cứu và những kết quả sáng tạo trong hoạt động SHTT của Việt Nam thời gian qua?
- Ông Trần Việt Hùng: Ngay từ khi nộp đơn gia nhập WTO, Việt Nam đã có chương trình hoàn thiện khung pháp lý bảo hộ SHTT. Đến năm 2005, Luật SHTT ra đời và bắt đầu có hiệu lực từ 1.7.2006. Dựa trên khung pháp lý của các quy định trên, tình hình nghiên cứu và những kết quả sáng tạo trong hoạt động SHTT ở nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định. Công tác nghiên cứu, sáng tạo không chỉ phát triển ở các Viện nghiên cứu, các trường Đại học mà nó đã phát triển ở nhiều doanh nghiệp và những người nghiên cứu tự do.
Hiện số lượng sáng chế trong nước đăng ký tại Cục SHTT tăng 15% hàng năm, trong đó, vai trò của các trường Đại học ngày càng lớn. Lượng sáng tạo của những người sáng chế tự do trong thời gian qua cũng tăng. Tuy nhiên, xét về tổng thể, lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ chiếm 10% tổng số đơn đăng ký nộp tại Cục SHTT, 90% đơn đăng ký còn lại là của nước ngoài (chủ yếu là của Mỹ và Nhật Bản). Bên cạnh ít về số lượng, các công trình sáng chế ở nước ta hiện nay chưa có tính đột phá, giá trị chưa cao.
- Phải chăng các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến quyền sở hữu trí tuệ?
- Đúng vậy. Hiện việc đăng ký và bảo vệ quyền SHTT chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, vẫn có khá nhiều doanh nghiệp chưa thực sự am hiểu những quy định về việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Nhiều doanh nghiệp hoạt động hàng chục năm vẫn không biết xác lập quyền SHTT, đến lúc bị vi phạm mới vội vàng đi đăng ký. Vì thế mới có chuyện một số doanh nghiệp mất cả nhãn hiệu, gây tổn thất rất lớn. Đó là một thiệt thòi vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam.
- Như vậy, Việt Nam hiện chưa có cái gọi là “văn hóa sở hữu trí tuệ”?
- Khái niệm văn hóa SHTT được Nhật Bản đưa ra là một khái niệm rất hay, nghĩa là văn hóa của người biết tự bảo vệ SHTT của mình và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Ở nhiều nước phát triển, đa phần người dân có ý thức không dùng sản phẩm giả, nhái, không bản quyền và coi điều đó là sự xấu hổ, xúc phạm. Ở Việt Nam chưa có được điều này. Một số cuộc điều tra trên thị trường cho thấy vẫn còn rất nhiều người chấp nhận dùng hàng giả, nhái nếu nó phù hợp với túi tiền và nhu cầu của họ, đó là điều cần thay đổi. Bản thân chủ SHTT khi bị vi phạm thì phản ứng nhưng lúc khác có thể lại dùng sản phẩm vi phạm.
- Nghĩa là nhận thức của công chúng về Luật SHTT chưa cao. Theo ông nguyên nhân do đâu?
- Khái niệm SHTT đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng đối với Việt Nam thì đây là một khái niệm khá mới mẻ. Luật SHTT ở nước ta cũng mới ra đời năm 2005 nên vấn đề SHTT cũng chỉ mới được tuyên truyền phổ biến rộng rãi khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Do đó, hiểu biết của toàn xã hội, kể cả cấp quản lý lẫn doanh nghiệp về vấn đề này chưa cao. Nhiều người còn chưa hiểu SHTT là gì, ngay cả các cán bộ thực thi quyền SHTT cũng chưa nắm vững.
Hệ thống pháp luật của Việt Nam về SHTT vẫn còn bị chồng chéo ở nhiều văn bản, thiếu sự thống nhất, nên khó áp dụng. Mức phạt các vi phạm sở hữu trí tuệ còn nhẹ, thiếu khả năng răn đe và thực thi.
Nền kinh tế bao cấp với cơ chế “xin - cho” kéo dài, tài sản trí tuệ chưa hình thành nên thói quen trong mọi người dân. Mặt khác, do kinh tế của đại bộ phận người dân còn hạn hẹp cùng với thói quen “sính” hàng giá rẻ nên người Việt Nam cũng chưa quen với việc sử dụng các mặt hàng có nhản hiệu nổi tiếng. Nói cách khác, chỉ đến khi bị xâm phạm về quyền SHTT thì người dân, doanh nghiệp mới quan tâm, đăng ký quyền SHTT. Nguyên nhân cuối cùng và cũng rất quan trọng là công tác tuyên truyền, phổ biến Luật SHTT ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức.
- Vậy, Cục SHTT đã có những biện pháp gì để nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT trong thời gian tới?
- Trên cơ sở đề nghị của Bộ Khoa học và công nghệ, Chính phủ đã ra quyết định triển khai Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ trong giai đoạn 2007 - 2010 và tiếp tục thực hiện giai đoạn 2011 - 2015. Chương trình này được thực hiện từ các cơ quan Trung ương cho đến các tỉnh, thành trong cả nước. Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình là tập trung nâng cao hiểu biết của xã hội về SHTT.
Với tư cách là cơ quan hạt nhân trong hệ thống SHTT của VN, trong thời gian qua, Cục SHTT đã phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước để tổ chức hàng trăm cuộc Hội thảo, hội nghị, các đợt tập huấn… nhằm nâng cao sự hiểu biết về SHTT cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà sáng tạo và toàn thể nhân dân. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí tổ chức các chương trình tọa đàm, chuyên đề bằng nhiều hình thức hấp dẫn để tuyên truyền Luật SHTT đến mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!
Theo khoahoc.baodatviet.vn (nvdat)