SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chương trình 68: Cầu nối nâng cao nhận thức của xã hội về SHTT

[22/04/2011 08:35]

Sau 5 nằm thực hiện, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68 giai đoạn 2005-2010) đã được triển khai theo đúng quy định, kế hoạch được phê duyệt và đã thu hút được sự quan tâm, tham gia tích cực của cộng đồng, các địa phương, doanh nghiệp.

Thông qua các dự án, Chương trình 68 đã triển khai được hầu hết các nội dung được phê duyệt, đặc biệt là nội dung tuyên truyền về sở hữu trí tuệ; tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các đặc sản của địa phương.
Bước đầu, Chương trình 68 đã tạo ra một hướng đi mới cho các địa phương, các cơ quan chuyên môn trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ.

Chương trình đã có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ. Một số nội dung đã thực hiện tương đối tốt, mang lại hiệu quả rõ rệt như hỗ trợ xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, đặc biệt là đối với các đặc sản địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, Chương trình còn một số hạn chế như: chưa phát huy được hết tiềm năng trong việc hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; kinh phí được sử dụng từ Chương trình trong 5 năm qua còn ít so với các chương trình khác cũng như so với tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình; ngoài lĩnh vực nông nghiệp, các ngành khác chưa tham gia nhiều vào Chương trình; một số nội dung quan trọng nhưng chưa triển khai được như mong muốn như hỗ trợ áp dụng sáng chế, hỗ trợ đăng ký sáng chế, hỗ trợ công tác bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ, công tác hỗ trợ liên quan đến bản quyền, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ ở các trường đại học, viện nghiên cứu…;
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc các nội dung, dự án đều mới, lần đầu tiên được triển khai lại thuộc lĩnh vực rất đặc thù là sở hữu trí tuệ, một số nội dung triển khai rất khó ngay cả đối với cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ (định giá tài sản trí tuệ, xây dựng mô hình chuyển giao tài sản trí tuệ ...).
Vì vậy, Chương trình giai đoạn 2011-2015 sẽ khai đầy đủ, cân đối các nội dung của Chương trình; tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền về sở hữu trí tuệ; nhân rộng các dự án đạt hiệu quả cao ở giai đoạn 2005-2010; tập trung triển khai các nội dung chưa triển khai được như mong muốn, đặc biệt là một số nội dung mới như hỗ trợ áp dụng các sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam phục vụ hoạt động nghiên cứu, triển khai, sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị của các sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp giai đoạn 2005-2010 được phê duyệt theo Quyết định số 68/2005/QĐ-TTg ngày 04/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ nhằm 2 mục tiêu: nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ; nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Chương trình có 3 nội dung là: tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin sở hữu trí tuệ. Chương trình được triển khai thông qua việc tổ chức các hoạt động chung và dự án thực hiện các nội dung thuộc Chương trình.
Tính đến hết tháng 12/2010, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, phê duyệt 05 Danh mục các dự án thuộc Chương trình thực hiện trong các năm 2007-2008, 2008-2009, 2009-2010, 2010 và Danh mục bổ sung thực hiện trong năm 2010 với tổng số 119 dự án.
Trong đó, có 84 dự án đã được phê duyệt cho triển khai thực hiện liên quan đến hầu hết các nội dung của Chương trình 68, cụ thể là: Tổ chức hoạt động SHTT, tuyên truyền về SHTT; xác lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu; áp dụng sáng chế vào thực tiễn ...
Thực hiện chức năng của cơ quan thường trực Chương trình, Cục Sở hữu trí tuệ đã ký 61 Hợp đồng giao chủ trì thực hiện dự án và 23 Hợp đồng ủy quyền cho địa phương quản lý kinh phí hỗ trợ từ NSTW cho thực hiện dự án. Đồng thời, đã tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện dự án và sử dụng kinh phí của 42 dự án; kịp thời xem xét, cấp phát kinh phí thực hiện dự án theo quy định; đã tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện 17 dự án Trung ương trực tiếp quản lý.
Tính đến hết tháng 12/2010, Chương trình đã sử dụng hết gần 53 tỷ đồng, trong đó: Chi cho các dự án thực hiện Chương trình gần 44 tỷ đồng; Chi cho các hoạt động chung khoảng 9 tỷ đồng.




 

Theo khoahoc.baodatviet.vn (nvdat)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ