Đề tài “Điều tra hiện trạng khai thác nguồn lợi cá ở huyện Cần Giờ và bước đầu nghiên cứu đặc điểm sinh học của loài cá chìa vôi (Proteracanthus sarissophorus –Cantor, 1849)
Đề tài do CN.Thái Ngọc Trí – Trung tâm phát triển KH&CN Trẻ làm Chủ nhiệm.
Nguồn lợi cá ở Cần Giờ có vai trò quan trọng trong đời sống, cung cấp thực phẩm hàng ngày cho nhân dân trong vùng, các vùng lân cận và TP HCM; là nguồn thức ăn của một số loài động vật lưỡng cư – bò sát, chim sinh sống ở khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, những vùng ngập mặn,… Có nhiều loài cá có giá trị kinh tế và trở thành đặc sản như cá dứa, cá ngát, cá chìa vôi,… Đề tài thực hiện với mục tiêu đóng góp bước đầu cho việc quản lý khai thác, sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên không chỉ thực hiện bởi các cơ quan quản lý mà cần có sự chia sẻ và tham gia của cộng đồng ngư dân.
Qua thời gian thực hiện, Ban chủ nhiệm đã thu thập và xác định được 74 loài cá thuộc 32 họ, 10 bộ ở Cần Giờ.
Khu hệ cá ở huyện Cần Giờ có nguồn gốc mặn và lợ. Do ảnh hưởng của thủy triều và mạng lưới sông rạch vì vậy các loài cá có thể di cư vào sâu trong các sông, kênh rạch để sinh sống, kiếm ăn, sinh sản. Trong 74 loài cá thu được có 1 loài nằm trong Sách Đỏ Việt Nam, 2007, bậc sắp nguy cấp VU (Vulnerable), đó là loài cá mang rổ (Toxotes chatareus). Kết quả điều tra, nghiên cứu và thu thập thông tin ở ngư dân, nhóm tác giả xác định có 33 loài cá có giá trị kinh tế. Trong đó bộ cá vược chiếm lượng nhiều nhất với 25 loài, kế đến là bộ cá nheo 4 loài, bộ cá bơn 2 loài, bộ cá chình và bộ cá mú làn (Scorpaeniformes) mỗi bộ có 1 loài.