SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đông Nam Bộ và ĐBSCL: Nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST

[15/12/2021 09:12]

Thời gian qua, các địa phương vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, nhưng vẫn còn những tiềm năng chưa được khai thác.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến Ảnh: Chụp màn hình

Tại hội thảo "Thực trạng và đề xuất mô hình đổi mới sáng tạo các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ" do Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN, tổ chức ngày 13/12, ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó giám đốc Sở KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương của cả nước đi đầu trong việc sớm ban hành và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp như: Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Quy định về nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đến năm 2025;… Hiện nay, toàn tỉnh có 75 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và hơn 240 dự án khởi nghiệp, trong đó có nhiều dự án tăng trưởng vượt bậc. Nhiều hoạt động kết nối đầu tư, cuộc thi khởi nghiệp để tìm kiếm, hỗ trợ dự án chất lượng hỗ trợ cũng được tỉnh tổ chức.

Đánh giá về cấp độ phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo khung đánh giá 7 cấp độ, hiện nay hệ sinh thái khởi nghiệp tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở giữa cấp độ 1 (Hệ sinh thái mới hình thành) và cấp độ 2 (Hệ sinh thái cơ bản), theo ông Thanh. Ông cũng cho biết, số doanh nghiệp khởi nghiệp có tính đổi mới sáng tạo vẫn còn ít so với tiềm năng phát triển của tỉnh. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã hình thành, nhưng hoạt động còn hạn chế, chưa bài bản, chưa tạo thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp gắn kết, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

TP Cần Thơ cũng là địa phương có nhiều hoạt động hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp với nhiều nguồn lực từ các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức hỗ trợ,… Cần Thơ xây dựng cộng đồng khởi nghiệp duy trì hoạt động với 120.000 thành viên, hơn 150 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ phát triển. Theo ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN Cần Thơ, hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố hiện đang ở cấp độ 1 và đã có dấu hiệu chuyển dần qua cấp độ 2. Tỉnh đang tìm kiếm các chuyên gia để tư vấn thiết kế các hoạt động hỗ trợ; và đội ngũ cố vấn, huấn luyện viên để đào tạo, nâng cao năng lực về khởi nghiệp ĐMST.

Giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp tại Cần Thơ Ảnh: Internet

Tại Long An, tỉnh cũng tích cực tổ chức các phong trào trào hội thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng, nhà nông; Hội thi sáng tạo kỹ thuật; Hội thi sáng tạo trong lực lượng vũ trang, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo..), đã tạo thành phong trào thi đua sáng tạo trong xã hội. Trung bình có hàng trăm mô hình, sản phẩm tham gia, đạt giải mỗi năm. Trong đó, có những mô hình, sản phẩm sáng tạo đã được thương mại hóa, bước đầu mang lại kết quả tích cực.

ThS. Nguyễn Minh Hải, Giám đốc Sở KH&CN Long An, cho biết, hiện Long An đã xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, chuẩn bị ra mắt trong tháng 12 năm nay. Trung tâm dự kiến hỗ trợ khoảng 30 doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, Trung tâm cũng dự kiến ươm tạo 10 dự án khởi nghiệp có tính ứng dụng, tổ chức các khóa đào tạo về kiến thức khởi nghiệp, tổ chức cho doanh nghiệp tham gia hoạt động nâng cao kỹ năng khởi nghiệp. Lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ là thực phẩm, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, môi trường, năng lượng tái tạo...

Ông Phạm Xuân Đà, nguyên Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN cho biết, theo khảo sát mới đây của Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN, hoạt động R&D và ĐMST khu vực phía Nam mới chỉ được quan tâm trong khoảng 2 năm trở lại đây. Một số lượng lớn doanh nghiệp hoàn toàn “để trắng” hoạt động này. Phần lớn các doanh nghiệp mong muốn liên kết trực tiếp với các đơn vị dịch vụ KH&CN. Một số muốn liên kết trực tiếp với đơn vị nghiên cứu, đào tạo, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN và đơn vị cung cấp dịch vụ KH&CN. Ngoài ra, số ít doanh nghiệp muốn được liên kết trực tiếp với các đơn vị nghiên cứu và đào tạo.

Vì vậy, theo ông Đà, việc phải tập trung và phát huy sức mạnh công nghệ và ĐMST để lấy lại đà tăng trưởng và duy trì tốc độ tăng trưởng tốt cho khu vực phía Nam trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Trong đó, cần hỗ trợ và đáp ứng kịp thời các mô hình liên kết ĐMST mà doanh nghiệp tại khu vực này mong muốn. “Chỉ có như vậy các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thúc đẩy ĐMST của Nhà nước mới nhanh chóng đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả một cách thiết thực và bền vững”, ông Đà nói.

Kiều Anh

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ