SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Startup Edtech Việt Liệu có tương lai?

[05/07/2022 08:51]

Covid-19 đã thúc đẩy Edtech và giáo dục trực tuyến đi nhanh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên khi cuộc sống bình thường trở lại, liệu giáo dục trực tuyến liệu có quay trở về mốc ban đầu?

COVID-19 đã khiến phụ huynh không còn ác cảm với học trực tuyến và coi đây như một lựa chọn cho hành trình học tập của con cái mình.

Edtech hậu Covid-19

Hậu COVID-19, học sinh tới trường, các lớp học trực tiếp mở cửa, nhiều người lo lắng những lớp học trực tuyến sẽ đi vào quên lãng. Dường như, chẳng ai còn thấy cần phải tham gia các khóa học trực tuyến qua máy tính, dù thế nào, người Việt vẫn thích ‘sờ tận tay’ mới đảm bảo chất lượng. Nhiều âu lo về việc các startup giáo dục cung cấp các khóa học trực tuyến với đủ loại công nghệ sẽ bước vào thời kì thoái trào hậu COVID-19.

Thế nhưng tại triển lãm Công nghệ giáo dục 2022 (CTE 2022) được tổ chức mới đây, đại diện các startup Edtech lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

Ông Nguyễn Chí Hiếu - sáng lập Tổ chức giáo dục IEG – cho biết, sau dịch, ông dạy trực tuyến nhiều hơn và không dạy trực tiếp nữa. Với lớp học trực tiếp (offline), ông Hiếu chỉ có thể dạy học sinh hoặc ở TP.HCM hoặc Hà Nội thì giờ đây, với 20 tiết dạy trực tuyến mỗi tuần, học sinh của ông đến từ mọi nơi, từ Cà Mau tới Hà Giang, thậm chí ở Mỹ, Nhật… Một lớp có học sinh ở ba miền và ở các nước không phải chuyện hiếm. Đây là điều chỉ dạy trực tuyến mới làm được.

 

Nhà đầu tư ngày càng mạnh tay rót vốn vào thị trường Edtech Việt Nam. Nguồn: Tech in Asia

Không chỉ trong chuyện dạy mà khi đóng vai trò tư vấn cho các tổ chức giáo dục, ông nhận thấy rằng, hầu hết các cơ sở giáo dục ngoài giờ đã quay trở lại dạy trực tiếp, nhưng phần lớn vẫn duy trì lớp học trực tuyến với các học viên ở xa, đã học từ trước hoặc tiếp cận thêm học sinh mới.

Trong khi đó, ở trường học công, phần đông đã không còn dạy online và công cụ trực tuyến được giữ lại phục vụ việc quản lý. Trường tư thục và quốc tế lại lựa chọn mô hình kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp.

“Giáo viên là người quyết định, học phần nào dạy trực tuyến và phần nào dạy trực tiếp” – ông Hiếu nói.

Ở góc nhìn tổng quan, ông Nguyễn Chí Hiếu nói rằng, COVID-19 khiến phụ huynh không còn ác cảm với dạy trực tuyến. Cái khác là giờ đây, họ tỉnh táo hơn. Nghĩa là, trường nào dạy ‘dở’ sẽ bị bỏ rơi và chọn những nơi có chất lượng tốt nhất, bởi chuyện học trực tuyến không phụ thuộc vào các yếu tố như gần nhà, số lượng học sinh. Thậm chí, “nếu một khóa học online có nội dung chất lượng hơn so với offline thì phụ huynh sẽ cho con học online” – ông Hiếu nói.

Vì thế, thời kỳ hậu Covid, theo chuyên gia giáo dục này, bài toán của các nền tảng giáo dục trực tuyến là đưa chất lượng của các khóa học cao hơn so với giáo dục truyền thống.

Ông Hiếu nhận định: “Đây sẽ là xu hướng, trong bối cảnh dạy trực tuyến có lượng tiếp cận lớn hơn mà chi phí lại rẻ hơn”.

Câu chuyện này không chỉ diễn ra với các lớp học của ông Hiếu, mà ở Teky - Học viện sáng tạo công nghệ dạy lập trình cho trẻ em, mọi thứ cũng vậy. Bà Đào Lan Hương – Giám đốc điều hành Teky cho biết, sau COVID-19, Teky mở cửa trở lại 16 trung tâm trên cả nước nhưng 50% số lượng lớp học kết hợp giữa online và offline. Đáng chú ý, 50% trong số các lớp học trên dạy online hoàn toàn.

“Tháng 5 và tháng 6 vừa qua chúng tôi đạt hiệu quả hoạt động cao nhất trong năm năm kể từ khi thành lập” – bà Đào Lan Hương chia sẻ như một bằng chứng cho thấy, Teky không hề bị ảnh hưởng hậu COVID-19. Người lãnh đạo của Teky cũng khẳng định, đi vào thị trường giáo dục trực tuyến là tầm nhìn của startup Edtech này.

Với quan điểm lấy người học làm trung tâm, Teky không mang tới những công nghệ cao siêu mà tập trung vào các giải pháp giúp người học thích thú, hào hứng hơn với việc học tập, và nhận được giá trị tốt nhất thông qua khóa học.

“Edtech không phải thay đổi phương pháp truyền thống mà để mở rộng cơ hội học tập của mỗi người” – bà Hương khẳng định.

Thị trường đầy tiềm năng nhưng đâu là chìa khóa?

Thị trường Edtech rất rộn ràng từ lâu. Theo Edtech Report 2021, đầu tư vào lĩnh vực này trên toàn cầu đạt 30 tỷ USD với 16 công ty kỳ lân. Ở Việt Nam, Edtech cũng là một trong ba lĩnh vực nhận đầu tư nhiều nhất những năm qua. Năm 2021, đã có 160 triệu USD rót vào Edtech Việt Nam với hơn 150 sản phẩm được giới thiệu. Theo báo cáo của Ken Research, thị trường Edtech Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỷ USD vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm đạt khoảng 20,2% trong giai đoạn 2019 - 2023.

Quan trọng hơn theo khảo sát của Edtech Agency, thị trường Edtech hiện tại có khả năng chi trả mạnh mẽ hơn so với giai đoạn 2016-2018. Đặc biệt, các gia đình sau hai năm làm quen với giáo dục trực tuyến đã hiểu về những lợi ích của giáo dục trực tuyến và sẵn sàng chi tiền. Những lợi ích được họ nhận thấy là tiết kiệm thời gian đưa đón con đi học, lượng kiến thức học sinh nhận được nổi trội hơn, bởi trên nền tảng online, người học có thể học đi học lại, xem lại các bài tập đã làm và theo dõi mức tiến bộ rất dễ dàng.

Bài toán đường dài là vậy nhưng hậu COVID-19, với kỹ năng và thói quen đang có người dùng, những đơn vị làm Edtech phải làm gì để không bỏ lỡ thời cơ?

Bà Trương Lê Quỳnh Tương - Giám đốc ClassIn Đông Nam Á thì cho rằng, mô hình phù hợp nhất là hình thành hệ sinh thái công nghệ giáo dục. Ví dụ, ClassIn sẽ không dừng lại ở một nền tảng học trực tuyến, mà sẽ phát triển thêm những phần mềm bổ trợ như chuyển đổi số sách vở, tài liệu học thuật… Cùng với đó là sự tham gia của nhiều đơn vị làm nội dung như nhà sản xuất hay đơn vị làm nội dung phù hợp với những mô hình giảng dạy mới, nhu cầu mới, thói quen học tập mới và có sự kết hợp của công nghệ đằng sau giúp hài hòa giữa giáo trình và phương pháp triển khai hiệu quả.

Ông Vương Nhật Anh - chuyên gia từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cũng nhìn nhận rằng thị trường Việt Nam có rất nhiều cơ hội trên thị trường. “Khi tiếp xúc với các doanh nghiệp trên thị trường, tôi thấy rằng khoảng trống cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này còn rất lớn. Startup không cần nghĩ đến công nghệ quá cao siêu như trí tuệ nhân tạo, blockchain… mà nên quan tâm tới mức độ ứng dụng vào thực tế và mang lại giá trị cho người dùng” – ông Nhật Anh bày tỏ. Đại diện của Do Ventures cho rằng, có nhiều vấn đề mà startup nếu giải quyết được sẽ mang lại hiệu quả lớn như giải pháp quản lý học sinh, phụ huynh, đo lường khả năng học tập, đánh giá tiến bộ hay thiết kế lộ trình theo hướng cá nhân hóa…

Trong khi đó, Teky khẳng định đang đầu tư mạnh vào công nghệ, nhưng không phải những thứ xa vời chạy theo xu hướng như Metaverse, VR/AR mà là những công nghệ giúp việc học hiệu quả hơn như social learning, project base learning.

Là người đang trực tiếp giảng dạy, cung cấp các khóa học trực tuyến, ông Nguyễn Chí Hiếu đồng tình với định hướng này của Teky khi cho rằng: “Trong Edtech thì Ed (Education – giáo dục) phải đi đầu còn tech (technology - công nghệ) phải đi sau”. Quan điểm này hoàn toàn thống nhất với đại diện của các startup cũng như chuyên gia giáo dục. Suy cho cùng, công nghệ nào cũng chỉ để giải quyết bài toán về nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục.

Để làm được việc đó, ông Hiếu đưa ra lời khuyên cho những người làm giáo dục, khi bắt tay vào làm bất kỳ sản phẩm nào hãy đến đúng nơi giáo dục đang diễn ra như lớp học, trường học để quan sát, hiểu về cách một lớp học vận hành, trước khi ngồi trong các phòng lab để lập trình.

“Tôi hay nói với các anh làm Edtech rằng hãy chịu khó đi dự giờ, theo chân một giáo viên từ 7h sáng đến 5h chiều thì sẽ hiểu cần phải làm gì cho sản phẩm tốt hơn. Nếu không làm được việc đó thì tiền gọi vốn được chỉ dùng vào việc sản phẩm và ý tưởng các anh vẫn đi gọi vốn được nhưng tiền chủ yếu chỉ để dùng để mở rộng tập khách hàng mới còn tỷ lệ quay lại sẽ vô cùng thấp” – ông Nguyễn Chí Hiếu nói.

Edtech vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các startup. Tuy nhiên, đây chắc chắn là bài toán đường dài cần đầu tư lớn và kiên trì để thu về lợi nhuận. Là ngành đặc thù, Edtech thực sự cần những người vừa có tâm, vừa có tầm để nắm bắt cơ hội.

Bích Ngọc

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ