SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực tiễn xem xét “Thư đồng ý” trong xác lập quyền nhãn hiệu tại Việt Nam

[16/08/2024 14:07]

Trong thủ tục xác lập quyền nhãn hiệu ở Việt Nam, Thư đồng ý (một thỏa thuận về việc đồng tồn tại nhãn hiệu) từng đã được chấp nhận như một căn cứ vượt qua lý do từ chối bảo hộ nhãn hiệu nộp sau do tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng có trước.

Tuy nhiên trong thực tiễn thẩm định hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ khó chấp nhận sự đồng tồn tại của hai nhãn hiệu trùng hay tương tự khi cùng bảo hộ cho hàng hóa/dịch vụ trùng hoặc tương tự hoặc có liên quan nhau dù rằng cả hai chủ sở hữu nhãn hiệu đều đồng ý việc đồng tồn tại này (thông qua Thư đồng ý). Bởi lẽ, chức năng của nhãn hiệu một mặt bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu và mặt khác bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, nên dưới góc độ của người tiêu dùng, sự xuất hiện của hai nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nhau trên thị trường, có khả năng gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng hai nhãn hiệu có cùng một chủ sở hữu, hoặc nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và danh tiếng hàng hóa/ dịch vụ mang hai nhãn hiệu. Do vậy, Cục Sở hữu trí tuệ hiện nay rất thận trọng trong việc xem xét,chấp nhận Thư đồng ý của các chủ sở hữu và thường chỉ cân nhắc để có quyết định tùy vào từng trường hợp cụ thể. Có thể tham khảo hai trường hợp dưới đây:

1. Trường hợp nhãn hiệu “KIM THÀNH, hình” đăng ký cho hàng hóa/ dịch vụ gồm “Giày dép; quần áo” trong nhóm 25, “Mua bán giày dép; mua bán nguyên phụ liệu ngành giày dép” cho nhóm 35 và “dịch vụ gia công giày dép, túi xách, ví bóp, dây thắt lưng” trong nhóm 40, bị từ chối bảo hộ bởi Nhãn hiệu đối chứng có trước là “KIM THÀNH, hình” đăng ký cho dịch “Cửa hàng giày dép” thuộc nhóm 42.

Mặc dù đã lập luận rằng chủ đơn nhãn hiệu xin đăng ký và chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng có thỏa thuận đồng tồn tại nhãn hiệu qua Thư đồng ý, nhưng Cục Sở hữu trí tuệ đã từ chối chấp nhận Thư đồng ý với lý do nhãn hiệu xin đăng ký có cấu trúc phần chữ và phần hình trùng lập với nhãn hiệu có trước và cùng đăng ký cho dịch vụ trùng và tương tự, do vậy việc cùng tồn tại hai nhãn hiệu này sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng lầm tưởng rằng hai nhãn hiệu có cùng một chủ sở hữu.

2. Trường hợp nhãn hiệu “YTL XI MĂNG Supreme Power, hình” đăng ký cho hàng hóa “Xi măng” trong nhóm 19” bị từ chối bảo hộ bởi Nhãn hiệu đối chứng có trước “YTL” đăng ký cho hàng hóa/ dịch vụ trong nhóm 43, 44 và 19 (trong đó có sản phẩm “xi măng”)

Với Thư đồng ý giữa chủ đơn nhãn hiệu xin đăng ký và chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng được đệ trình, Cục Sở hữu trí tuệ đã xem xét và chấp nhận Thư đồng ý trong trường hợp này do tổng thể của nhãn hiệu đăng ký vẫn có sự khác biệt tương đối với nhãn hiệu đối chứng, cụ thể, nhãn hiệu đăng ký có cấu trúc ngoài dấu hiệu “YTL”, thì còn kết hợp với nhiều chi tiết có tính phân biệt khác như các hình vẽ cách điệu, phối với màu sắc nổi bật, cho nên sự có mặt của cả hai nhãn hiệu trên thị trường không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Từ thực tiễn, có thể thấy để “Thư đồng ý” được xem là hợp lệ, bên cạnh nguyên tắc là việc đồng tồn tại nhãn hiệu xin đăng ký và nhãn hiệu đối chứng trên thị trường không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, các yếu tố sau đây trong Thư đồng ý sẽ nâng cao cơ hội được Cơ quan Sở hữu trí tuệ chấp nhập:

- Nhãn hiệu trong đơn đăng ký không trùng hoặc có sự khác biệt tương đối với Nhãn hiệu đối chứng;

- Thư đồng ý phải có các nội dung bắt buộc như sau: tên, địa chỉ của chủ Nhãn hiệu đối chứng; mẫu Nhãn hiệu và số văn bằng bảo hộ của Nhãn hiệu đối chứng; tên, địa chỉ của chủ đơn đăng ký, Nhãn hiệu và số đơn của đơn đăng ký; danh mục hàng hóa/ dịch vụ được chấp nhận theo Thư đồng ý; nội dung khẳng định việc chủ nhãn hiệu đối chứng chấp thuận/không phản đối việc sử dụng và đăng ký nhãn hiệu theo đơn đăng ký tại Việt Nam; chữ ký và con dấu (nếu có) của chủ Nhãn hiệu đối chứng.

Ngoài ra một số lưu ý trong việc vận dụng Thư đồng ý như sau:

1. Thư đồng ý được cấp trong trường hợp chủ đơn nhãn hiệu xin đăng ký và chủ nhãn hiệu đối chứng là công ty mẹ – con thuộc cùng một tập đoàn hoặc công ty có quan hệ liên kết, kèm theo đó là Bản cam kết không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng từ chủ đơn nhãn hiệu xin đăng ký, sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ ưu tiên chấp nhận hơn nhằm giảm thiểu rủi ro tìm ẩn.

2. Trường hợp đơn thứ ba được nộp để đăng ký cho nhãn hiệu tương tự với một nhãn hiệu đã được bảo hộ trên cơ sở có Thư đồng ý, chủ đơn phải nộp Thư đồng ý của tất cả các chủ nhãn hiệu đối chứng có trước.

3. Thư đồng ý không được chấp nhận trong quá trình giải quyết khiếu nại với lý do là tình tiết mới theo quy định của luật đối với trường hợp nộp đơn khiếu nại.

Trải qua thực tế thẩm định nhãn hiệu hàng chục năm, mặc dù Cục SHTT đã có những thời điểm thừa nhận và chấp nhận Thư đồng ý cho mọi trường hợp các bên mà có mối quan hệ về tổ chức hoặc thỏa thuận với nhau về việc không phản đối đơn đăng ký sau, nhưng về bản chất phải hiểu đây là sự linh hoạt áp dung của Cục SHTT tại từng giai đoạn với những điều kiện nhất định mà không phải là vấn đề được quy định trong Luật SHT hoặc bất cứ văn bản hướng dẫn có giá trị pháp lý, Vì vậy, vấn đề “Thư đồng ý” vẫn cần được cụ thể hóa như một quy định pháp luật để có căn cứ pháp lý và sự thống nhất áp dụng trong thủ tục đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu tại Việt Nam.

Cục Sở hữu Trí tuệ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài