SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá kết quả sớm can thiệp nội mạch điều trị hẹp/tắc thông động tĩnh mạch ở Viện Tim mạch Việt Nam

[06/08/2019 15:16]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Đinh Huỳnh Linh, Nguyễn Hữu Dũng, Đinh Đức Lon, Nguyễn Tuấn Hải, Giáp Minh Nguyệt, Trần Huyền Trang, Nguyễn Thị Thuý Hạnh, Nguyễn Quang Kha, Đỗ Đức Tuân, Nguyễn Tuấn Anh, Quách Văn An, Nguyễn Thị Thu Hoàn, Nguyễn Mạch Hoạt, Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Kim Ngân và Phạm Mạnh Hùng thực hiện.

 Ảnh minh họa.

Đường vào mạch máu trong thận nhân tạo là một phần rất quan trọng trong chạy thận. Trong đó, thông động tĩnh mạch tự thân (arteriovenous fistula, viết tắt AVF), tạo bởi một động mạch và một tĩnh mạch gần nhau, được ưu tiên hơn cầu nối động tĩnh mạch bằng đoạn mạch nhân tạo (AVG), do có đời sống lâu hơn, lưu lượng dòng máu cao hơn, ít nguy cơ tắc hay nhiễm khuẩn. Tuy vậy, cả AVF và AVG đều có nguy cơ hẹp tắc cao, thường do hẹp ở miệng nối hay tĩnh mạch dẫn lưu (outflow vein) hoặc do quá trình viêm, quá trình tăng sinh nội mạch. Hẹp, tắc đường vào mạch máu sẽ gây giảm lưu lượng lọc máu tăng thời gian lọc thận, đầu thời gia tăng áp lực hệ tĩnh mạch chi trên, dẫn đến các triệu chứng lâm sàng như phù nề và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi AVF/AVG bị hỏng thì bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật tạo một đường vào mạch máu khác, trong khi số lượng tĩnh mạch có thể sử dụng làm AVF/AVG lại hữu hạn. Nếu không có AVF/AVG, bệnh nhân sẽ cần chạy thận nhân tạo qua đường vào tĩnh mạch trung tâm, lâu dần lại dẫn tới nguy cơ hẹp, tắc tĩnh mạch trung tâm. Vì vậy, bảo quản và duy trì sự thông thoáng của AVF/AVG giữ vai trò rất quan trọng. Tại Viện Tim mạch Việt Nam, kỹ thuật can thiệp nội mạch điều trị các trường hợp hẹp, tắc đường vào mạch máu bắt đầu được triển khai trong thực hành lâm sàng, điều trị cho bệnh nhân suy thận mạn chạy thận nhân tạo chu kỳ ở Khoa Thận nhân tạo hoặc Khoa Thận Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai. Nghiên cứu này được tiến hành để đánh giá hiệu quả sớm và tính an toàn của thủ thuật này.

Từ tháng 5.2018 đến tháng 9.2018, tiến hành can thiệp nội mạch cho 23 bệnh nhân bị hẹp, tắc thông động tĩnh mạch hoặc tĩnh mạch trung tâm. Tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân can thiệp là các bệnh nhân thận nhân tạo chu kỳ thỏa mãn các tiêu chuẩn sau: giảm lưu lượng lọc thận qua AVF/ AVG, hoặc có triệu chứng lâm sàng tăng áp lực hệ tĩnh mạch (sưng nề cánh tay, ứ trệ tĩnh mạch ngoại biên),  AVF/AVG đã được phẫu thuật ≥2 tháng (đã trưởng thành), thể hiện bằng đã có thể chạy thận nhân tạo tối thiểu 1 lần bằng 2 kim chọc, siêu âm Doppler mạch máu cho thấy tổn thương giải phẫu phù hợp với can thiệp nội mạch bằng nong bóng và/hoặc đặt stent. Tiêu chuẩn loại trừ bao gồm: phụ nữ có thai, tổn thương ≥2 vị trí trong đó có 1 vị trí không thể can thiệp được.

Quy trình nghiên cứu: Đánh giá bệnh nhân Tất cả các bệnh nhân đều được khám lâm sàng và đánh giá khả năng lọc thận, sau đó làm siêu âm mạch máu đánh giá chính xác vị trí và mực độ tổn thương. Bệnh nhân phù hợp sẽ được tiến hành can thiệp nội mạch. Tiến hành thủ thuật Thủ thuật được tiến hành tại phòng tim mạch can thiệp. Thuốc dùng trước thủ thuật bao gồm aspirin 100 mg và clopidogrel 75 mg. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ. Mở đường vào mạch máu theo phương pháp Seldinger, sử dụng đường động mạch (động mạch quay, động mạch cánh tay, động mạch đùi) hoặc tĩnh mạch (tĩnh mạch nông, tĩnh mạch sâu) tuỳ vào vị trí tổn thương. Qua đường vào mạch máu, một sheath kích cỡ 6Fr được đưa vào động mạch hoặc tĩnh mạch. Tiến hành chụp thông động tĩnh mạch dưới màn huỳnh quang tăng sáng khẳng định rõ vị trí hẹp. Sau đó lái dây dẫn qua tổn thương. Dây dẫn sử dụng có kích cỡ 0.035 inch, 0.018 inch, hoặc 0.014 inch. Tiến hành nong bóng áp lực cao nhiều lần với kích cỡ tăng dần để mở rộng lòng mạch. Nong lại bằng bóng phủ thuốc paclitaxel (các loại bóng Admiral IN.PACT Pacific của hàng Medtronic Inc., Lutonix của hãng BARD Vascular, hoặc Passeo-Lux của hãng Biotronik) với mục đích tránh tái hẹp AVF/AVG. Nếu vẫn còn hẹp khít (đặc biệt trong trường hợp hẹp tĩnh mạch trung tâm) hoặc bọc tách mạch máu, bệnh nhân sẽ được đặt stent. Cuối cùng, dụng cụ được rút ra, đóng đường vào mạch máu bằng băng ép thường quy. Các thuốc dùng sau thủ thuật bao gồm aspirin 100 mg và clopidogrel 75 mg mỗi ngày trong 1 tháng, sau đó dùng aspirin kéo dài.

Theo dõi bệnh nhân sau thủ thuật: Các bệnh nhân sau can thiệp được chuyển về phòng theo dõi, đồng thời tiến hành chạy thận nhân tạo sớm trong vòng 24 giờ sau thủ thuật. Nếu tình trạng ổn định, người bệnh được xuất viện trong ngày hôm sau. Người bệnh được theo dõi định kỳ bằng khám lâm sàng trong mỗi lần lọc thận và siêu âm Doppler mạch máu sau 30 ngày. Xử lý và phân tích số liệu Số liệu được phân tích bằng phần mềm SPSS 16.0. Các biến định lượng được thể hiện dưới dạng giá trị trung bình và độ lệch chuẩn. Các biến định tính được thể hiện dưới dạng tỉ lệ phần trăm. Kết quả phân tích được coi là có ý nghĩa thống kê khi giá trị p < 0,05.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, thủ thuật tiến hành thành công ở cả 23 trường hợp, đạt tỉ lệ 100%. Đa số các bệnh nhân (92%) được nong bóng phủ thuốc. Không gặp biến chứng nặng trong và sau thủ thuật. Có 1 trường hợp (4%) tái hẹp đường vào mạch máu trong thời gian theo dõi 30 ngày. Can thiệp nội mạch (nong bóng/ nong bóng phủ thuốc/ đặt stent) là một biện pháp hiệu quả và an toàn để duy trì thông động tĩnh mạch cho các bệnh nhân suy thận mạn cần chạy thận nhân tạo chu kỳ.

Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 87/2019 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài