SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hội chứng cung lượng tim thấp sau phẫu thuật bắc cầu chủ-vành: yếu tố nguy cơ và ảnh hưởng trên tiên lượng ngắn hạn

[07/08/2019 14:17]

Nghiên cứu do đồng tác giả Lê Thế Cường và Hồ Huỳnh Quang Tri - Viện Tim TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

 Ảnh minh họa.

Hội chứng cung lượng tim thấp (HCCLTT) là một biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật tim nói chung và phẫu thuật bắc cầu chủ-vành nói riêng. Theo y văn nước ngoài, HCCLTT có liên quan với tăng thời gian nằm hồi sức và tăng tử vong sau mổ. Ở Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu riêng về HCCLTT sau phẫu thuật bắc cầu chủ-vành. Nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố nguy cơ của HCCLTT sau phẫu thuật bắc cầu chủ-vành đơn thuần và ảnh hưởng của hội chứng này trên tiên lượng ngắn hạn của bệnh nhân.

Nghiên cứu những bệnh nhân được phẫu thuật bắc cầu chủ- vành tại Viện Tim TP. Hồ Chí Minh từ 1/1/2011 đến 30/9/2016. Loại trừ những trường hợp có phẫu thuật van tim (sửa van hoặc thay van nhân tạo) kèm theo. Các số liệu về nhân khẩu học, tiền sử bệnh, phân suất tống máu (PSTM) thất trái đo bằng siêu âm tim, số động mạch vành chính bị hẹp có ý nghĩa khi thông tim, số cầu nối mạch vành và thời gian tuần hoàn ngoài cơ thể được thu thập ở từng bệnh nhân. HCCLTT được xác định theo tiêu chuẩn sau: Bệnh nhân cần hỗ trợ tuần hoàn bằng thuốc tăng co bóp cơ tim (adrenalin, dobutamin) truyền tĩnh mạch và/hoặc bằng bóng đối xung trong động mạch chủ trong thời gian ít nhất 12 giờ để duy trì huyết áp tâm thu ≥ 90 mm Hg, sau khi đã tối ưu hóa tiền tải. Tái tưới máu không hoàn toàn là khi có ít nhất một động mạch vành chính bị hẹp có ý nghĩa không được bắc cầu nối. Để xác định tiên lượng, thống kê tử vong trong 30 ngày đầu và thời gian nằm hồi sức sau mổ. Biến định tính được biểu thị ở dạng tỉ lệ phần trăm. Biến liên tục được biểu thị ở dạng trung bình ± độ lệch chuẩn hoặc ở dạng trung vị nếu không có phân phối bình thường. So sánh tỉ lệ bằng phép kiểm chi bình phương. So sánh biến liên tục bằng phép kiểm t (phân phối bình thường) hoặc phép kiểm Mann - Whitney (không phân phối bình thường). Xác định các yếu tố có liên quan độc lập với HCCLTT sau mổ bằng hồi qui logistic đa biến. Ngưỡng có ý nghĩa thống kê được chọn là p < 0,05.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, 350 bệnh nhân được đưa vào nghiên cứu. Trong số này 118 người (33,7%) có HCCLTT sau mổ. Năm yếu tố nguy cơ của HCCLTT sau mổ được xác định gồm tuổi ≥ 60, phân suất tống máu (PSTM) thất trái trước mổ < 40%, nhồi máu cơ tim cấp trong vòng 90 ngày trước mổ, thời gian tuần hoàn ngoài cơ thể kéo dài và tái tưới máu không hoàn toàn. So với bệnh nhân không có HCCLTT, bệnh nhân có hội chứng này có tử vong 30 ngày cao hơn (7,6% so với 0,9%; P = 0,001) và thời gian nằm hồi sức dài hơn (4,1 ngày so với 2,1 ngày; P < 0,001). Tuổi cao, PSTM thất trái trước mổ thấp, nhồi máu cơ tim mới, tuần hoàn ngoài cơ thể kéo dài và tái tưới máu không hoàn toàn là những yếu tố nguy cơ của HCCLTT sau phẫu thuật bắc cầu chủ-vành đơn thuần. HCCLTT có liên quan với tăng tử vong 30 ngày và kéo dài thời gian nằm hồi sức.

Tạp chí Tim mạch Việt Nam, số 87/2019 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài