SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giá trị của thang điểm siêu âm Doppler tim phổi (EF, TAPSE, UCL) ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên

[07/08/2019 14:37]

Giá trị của thang điểm siêu âm Doppler tim phổi (EF, TAPSE, UCL) ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên

 Ảnh minh họa.

Nhồi máu cơ tim (NMCT) là tình trạng một vùng cơ tim bị hoại tử, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong điều trị và can thiệp mạch vành, nhưng vẫn là bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao kể cả giai đoạn cấp và những năm sau. Các biến cố thường gặp là tái NMCT, đột quỵ, suy tim… Tỷ lệ tử vong trong vòng 1 năm khoảng 7-9%. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các yếu tố tiên lượng bệnh nhân nồi máu cơ tim như: tuổi, giới, huyết áp, nhịp tim, diện tim, các dấu ấn sinh học… Các yếu tố này đã được tích hợp trong các thang điểm đánh giá nguy cơ như TIMI, GRACE, PAMI và đã được áp dụng trong thực hành lâm sàng để đánh giá tiên lượng nguy cơ cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Tác giả Gigliola Bedetti nghiên cứu tích hợp 3 thông số siêu âm tim-phổi là phân số tống máu EF, biên độ di động vòng van ba lá TAPSE và chỉ số đánh giá ứ huyết phổi (ULCs) thành thang điểm siêu âm tim phổi ECOscore để tiên lượng bệnh nhân có hội chứng vành cấp và đã cho thấy thang điểm này có giá trị tốt trong tiên lượng các bệnh nhân này. Tại Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu nào về thang điểm siêu âm tim phổi trong tiên lượng bệnh nhân NMCT. Nghiên cứu nhằm mục tiêu tìm hiểu giá trị tiên lượng biến cố và tử vong trong 3 tháng đầu của thang điểm siêu âm tim phổi ở bệnh nhân NMCT cấp có ST chênh lên.

Nghiên cứu thực hiện tại Viện Tim mạch từ tháng 9/2017 đến tháng 7/2018. Đối tượng: Là các bệnh nhân (BN) được chẩn đoán NMCT cấp lần đầu (theo Định nghĩa toàn cầu lần thứ 3 về NMCT năm 2012 [6]) có ST chênh lên. Bệnh nhân được điều trị và can thiệp ĐMV tại Viện Tim mạch từ tháng 9/2017 đến tháng 7/2018. Loại ra khỏi nghiên cứu các bệnh nhân có tiền sử NMCT, suy tim, COPD, bệnh nhân dưới 18 tuổi, không đồng ý tham gia nghiên cứu, bệnh nhân tử vong trong 24 giờ đầu chưa được siêu âm tim. Nghiên cứu mô tả cắt ngang có theo dõi dọc. Phương pháp thu thập số liệu bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn lựa chọn, không có tiêu chuẩn loại trừ được đưa vào nghiên cứu. Các bệnh nhân đều được khám lâm sàng tỉ mỉ, làm các xác nhận cận lâm sàng, ghi ĐTĐ 12 chuyển đạo lúc nhập viện, siêu âm tim phổi, đánh giá và phân loại bệnh nhân theo thang điểm ECOscore. Theo dõi các biến cố tử vong, tái nhập viện, tái NMCT trong khi nằm viện và sau ra viện 3 tháng. Thang điểm ECOscore được tính bằng tổng điểm của 3 thông số EF, TAPSE, ULC. Cách cho điểm như sau:

Phân tầng nguy cơ theo điểm ECO (Gigliola Bedetti). Nguy cơ thấp: 0 - 2 điểm, nguy cơ trung bình: 3- 5 điểm, nguy cơ cao: 6- 9 điểm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong 134 bệnh nhân, tại thời điểm kết thúc nghiên cứu có 15 bệnh nhân tử vong, 50 bệnh nhân tái nhập viện vì suy tim (46BN) và rối loạn nhịp (4BN), tổng số bệnh nhân có biến cố gộp là 65 bệnh nhân. Thang điểm ECOscore với điểm cắt là 6 có giá trị lượng tử vong, tái nhập viện và biến cố gộp sau 3 tháng (với độ nhạy, độ đặc hiệu và diện tích dưới đường cong lần lượt là 86,67%, 64,71%, AUC 0,793; 70,59%; 77,11%, AUC 0,753 và 75%, 90 %, AUC 0,857).

Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 87/2019 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài