SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu khả năng dung nạp với gắng sức ở các bệnh nhân đau thắt ngực ổn định tại Viện Tim mạch Việt Nam 2014 - 2018 bằng phương pháp điện tâm đồ gắng sức thảm chạy

[08/08/2019 15:01]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hoài, Phạm Quốc Khánh, Phạm Mạnh Hùng - Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, Lê Thị Thanh Hoà - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Tỉnh Nghệ An, Phan Đình Phong, Nguyễn Ngọc Quang và Đỗ Doãn Lợi - Bộ môn Tim mạch, Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện.

 Ảnh minh họa.

Đau thắt ngực ổn định (ĐTNÔĐ) hay bệnh động mạch vành (ĐMV) ổn định còn được gọi là bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ mạn tính hay suy vành. William Heberden là người đầu tiên mô tả thuật ngữ “đau thắt ngực” từ hơn 220 năm nay. Cho đến bây giờ, đây là loại bệnh khá thường gặp ở các nước phát triển và có xu hướng gia tăng rất mạnh ở các nước đang phát triển. Năm 2006, theo báo cáo của HSE (The Heart Survey for England) tỷ lệ đau thắt ngực ở nam cao hơn nữ và tỷ lệ này sẽ tăng theo tuổi: từ 55 đến 64 tuổi nam là 8%, ở nữ cùng độ tuổi là 3%; từ 65 đến 74: nam là 14% và nữ là 8%. Đau thắt ngực ổn định là một vấn đề lâm sàng quan trọng với ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống cũng như tiên lượng sống lâu dài của bệnh nhân (BN) và chi phí chăm sóc điều trị. Đau thắt ngực ổn định chiếm tỉ lệ cao (>50%). Hầu hết các bệnh nhân ĐTNÔĐ là cần được đánh giá, theo dõi và điều trị theo phác đồ chuẩn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều sự khác biệt trong thực hành khám và điều trị bệnh nhân bị ĐTNÔĐ ở các tuyến khác nhau và khác nhau giữa các thầy thuốc dẫn đến hiệu quả điều trị không được tối ưu. Hiện nay chụp động mạch vành qua da vẫn là tiêu chẩn vàng trong chẩn đoán tuy nhiên đây lại là một thủ thuật xâm lấn và khá tốn kém.

Điện tâm đồ (ĐTĐ) gắng sức là một phương pháp chẩn đoán bệnh ĐMV được Bruce đầu tiên đưa ra qui trình từ những năm 1956 và đến nay được áp dụng khá phổ biến bởi nhiều ưu điểm như gắng sức sinh lý, không đắt tiền, độ đặc hiệu tương đối cao dao động 75-80%, tuy nhiên độ nhạy của phương pháp này lại khá hạn chế chỉ khoảng 65-70%. Ở các bệnh nhân đau thắt ngực ổn định, có sự thay đổi khả năng gắng sức khi đánh giá bằng các nghiệm pháp gắng sức: VO2max, METs, thời gian gắng sức… Đây là những thông số làm tăng giá trị chẩn đoán bệnh ĐMV ổn định bằng nghiệm pháp gắng sức. Mức tiêu thụ oxy tối đa (VO2max) là một thông số phản ánh khá chính xác khả năng gắng sức của cơ thể thường được dùng trong thể thao để đo lường và đưa ra mức tập luyện cho các vận động viên. Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng VO2max trong chẩn đoán và theo dõi bệnh trong y học cho thấy có mối liên quan giữa mức độ tiêu thụ oxy và mức độ tổn thương của động mạch vành. Việc sử dụng phương pháp ĐTĐ gắng sức có thể giúp tính toán được VO2max một cách gián tiếp tương đối chính xác so với các phương pháp đo trực tiếp. Nghiên cứu nhằm mục tiêu khảo sát khả năng dung nạp với gắng sức bệnh nhân bệnh nhân đau thắt ngực ổn định bằng nghiệm pháp gắng sức thảm chạy. Tìm hiểu giá trị của VO2max trong dự báo tổn thương tắc nghẽn hoàn toàn mạn tính và tổn thương nhiều nhánh ĐMV ở các bệnh nhân đau thắt ngực ổn định.

Trong thời gian 5 năm (2014 đến 2018), 205 bệnh nhân đau thắt ngực ổn định khám ngoại trú tại Đơn vị Khám và Tư vấn Tim mạch theo yêu cầu của Viện Tim mạch, Bệnh Viện Bạch Mai được hỏi bệnh thăm khám và làm các xét nghiệm máu theo một quy trình chuẩn và làm bệnh án theo mẫu. Tất cả các bệnh nhân đều được làm ĐTĐ 12 chuyển đạo, siêu âm tim, ĐTĐ gắng sức thảm chạy, chụp ĐMV chọn lọc qua da.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ đau ngực theo Hội Tim mạch Canada (CCS) độ II và độ I chiếm tỷ lệ cao (tương ứng là 62,9% và 21,9%). Nghiệm pháp gắng sức dương tính chiếm 18,0%. Tỷ lệ hẹp ĐMV có ý nghĩa khi chụp ĐMV chọn lọc là 25,9%. Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các bệnh nhân hẹp ≥50% ĐMV và các bệnh nhân không có hẹp ý nghĩa ĐMV về thời gian gắng sức trung bình, tỷ lệ % đạt 85% tần số tim lý thuyết tối đa, khả năng gắng sức tối đa (MET), tiêu thụ oxy tối đa (VO2max) và tỷ lệ xuất hiện đau ngực, biến đổi ST trên ĐTĐ, đáp ứng kém về nhịp tim, rối loạn nhịp tim/rối loạn dẫn truyền trong khi làm nghiệm pháp gắng sức ĐTĐ thảm chạy. Tiêu thụ oxy tối đa (VO2max), thời gian gắng sức và khả năng gắng sức tối đa tính bằng MET có mối liên quan chặt chẽ với sự có mặt của bệnh nhiều nhánh/tắc nghẽn hoàn toàn mạn tính ĐMV với tỷ suất chênh tương ứng lần lượt là OR 4,2 (95%CI:1,3-7,3), OR 1,2 (95% CI: 1,1 - 4,6), OR 3,4 (95% CI 1,5-8,2). VO2max với (điểm cắt 32,6 ml/kg/phút, AUC 0,709, p50% có khả năng dung nạp với gắng sức (tỷ lệ đạt 85% tần số tim lý thuyết tối đa, VO2max, khả năng gắng sức tối đa, thời gian gắng sức) kém hơn so với các BN không có hẹp ý nghĩa ĐMV. VO2max là thông số có giá trị dự báo mức độ nặng của bệnh động mạch vành ở các bệnh nhân đau thắt ngực ổn định, mạnh hơn thời gian gắng sức và khả năng gắng sức tối đa.

Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 87/2019 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài