SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thành phần loài tảo khuê bám họ Eunotiaceae (KÜTZING, 1844) trong vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp

[07/05/2020 15:30]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Huỳnh Trường Giang, Nguyễn Thị Kim Liên, Huỳnh Phước Vinh (Bộ môn Thủy sinh học ứng dụng, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ) và Dương Văn Ni (Bộ môn Quản lý môi trường, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện.

Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là VQG đầu tiên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các cảnh quan tiêu biểu bởi các hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, có tiềm năng rất lớn về nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững.

Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy hệ động vật trên cạn trong VQG rất phong phú và đa dạng, với nhiều loài chim quý hiếm có giá trị cho Việt Nam và thế giới (Đỗ Thị Như Uyên và Hoàng Thị Nghiệp, 2013; Tran and Barzen, 2016; Đỗ Thị Như Uyên, 2017). Đối với thủy sinh vật, có 133 loài cá thuộc 77 giống, 29 họ và 11 bộ; 107 loài động vật nổi bao gồm 12 loài động vật đơn bào (Protozoa) 46 loài luân trùng (Rotatoria) 30 loài giáp xác râu ngành (Cladocera), 15 loài giáp xác chân chèo (Copepoda), và 4 loài giáp xác có vỏ đã được ghi nhận. Ngoài ra, 174 loài thực vật nổi cũng đã được báo cáo trong VQG (Đỗ Thị Như Uyên và Hoàng Thị Nghiệp, 2013). Phần lớn các thông tin về đa dạng sinh học trong VQG Tràm Chim trong những năm gần đây tập trung nhiều vào lớp chim, thú, lưỡng cư, bò sát, cá, động vật phiêu sinh và thực vật phiêu sinh.

Tảo khuê bám có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái, một số loài vừa là nguồn thức ăn cho các loài cá và giáp xác trong thủy vực vừa là tác nhân lọc sinh học trong trong môi trường. Trong bộ Eunotiales, họ Eunotiaceae có nhiều loài phân bố đại diện cho hệ sinh thái nước ngọt với 13 giống và 695 loài. Đặc biệt, giống Eunotia chiếm tới 610 loài, trong khi mỗi giống Bicudoa, BurliganiellaTemachium chỉ có 1 loài. Đa số các loài thuộc giống Eunotia chỉ phân bố trong các hệ sinh thái nước ngọt. Giống Eunotia có khoảng 200 loài và phân bố khắp thế giới, chủ yếu sống bám, rất hiếm khi bắt gặp sống trôi nổi. Các loài thuộc họ Eunotiaceae có thể được sử dụng như là chỉ thị sinh học và đã được sử dụng trong quan trắc môi trường nước, trong đó một số loài xuất hiện ưu thế trong môi trường nghèo dinh dưỡng; ít ô nhiễm hữu cơ; pH, oxy hòa tan, và độ dẫn điện thấp, một số loài chỉ thị cho môi trường ô nhiễm hữu cơ. Do đó, nghiên cứu này tập trung đánh giá sâu sự phân bố của các giống thuộc họ Eunotiaceae ở các sinh cảnh khác nhau trong VQG Tràm Chim trong hai mùa mưa và mùa khô nhằm cung cấp dữ liệu khoa học trong việc quản lý bảo tồn đa dạng sinh học và chất lượng nước tại VQG Tràm Chim.

Hình: Hình thái bên ngoài của một số loài tảo khuê bám thuộc họ Eunotiaceae trong VGQ Tràm Chim

Nghiên cứu về thành phần loài tảo khuê bám thuộc họ Eunotiaceae trên 5 sinh cảnh ở Vườn quốc gia Tràm Chim là (1) kênh vùng đệm, kênh lõi, rừng tràm Melaleuca sp., lung năn Eleocharis sp., và lung sen Nelumbo sp. trong mùa mưa và mùa khô cho thấy đã định danh được 20 loài thuộc 3 giống là Actinella, DesmogomiumEunotia. Trong đó, vào mùa mưa mỗi giống ActinellaDesmogomium có 1 loài và giống Eunotia có 16 loài; vào mùa khô giống Actinella có 1 loài, giống Desmogomium có 2 loài và giống Eunotia có 16 loài. Giống Eunotia có mật độ cao nhất ở kênh vùng đệm cả hai mùa mưa và khô, lung năn có mật độ thấp nhất vào mùa mưa, trong khi lung sen có mật độ thấp nhất vào mùa khô. Về mặt tương đồng, sự phân bố họ Eunotiaceae có thể chia thành 3 khu vực: lung năn - kênh vùng lõi/lung sen - rừng tràm/kênh vùng đệm vào mùa mưa và 2 khu vực: kênh vùng đệm - kênh vùng lõi/lung sen/lung năng/rừng tram vào mùa khô.

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 56, Số 1B (2020)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài