SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận

[19/05/2020 16:54]

Nghiên cứu do các tác giả Trần Văn Vũ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, tác giả Võ Minh Tuấn – Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhằm xác định tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt ở thai phụ 3 tháng đầu thai kì đến khám ở Bệnh viện Đa Khoa Bình Thuận.

Thiếu máu là tình trạng giảm lượng huyết sắc tố và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể. Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng xảy ra khi hồng cầu bị giảm cả về số lượng và chất lượng do thiếu sắt.

Thiếu máu do thiếu sắt là một bệnh rất phổ biến tác động đến hàng tỷ người trên thế giới, đặc biệt là phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Thiếu máu thiếu sắt trong thai kì có thể làm gia tăng nguy cơ sẩy thai, sanh non, thai suy dinh dưỡng, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản hay hậu phẫu, nhiều trường hợp nguy kịch dẫn đến tử vong cho mẹ và thai nhi. Ngoài ra, trẻ sơ sinh ở mẹ bị thiếu máu cũng có nguy cơ bị thiếu máu nhất là trong năm đầu tiên của cuộc sống. Nghiên cứu của Black và cộng sự năm 2008 cũng cảnh báo rằng trước khi tình trạng thiếu máu xảy ra, thiếu sắt có thể đã làm ảnh hưởng đến các chức năng khác như hệ thống miễn dịch, hệ thống thần kinh, làm giảm khả năng miễn dịch, giảm hoạt động thể chất và suy giảm nhận thức

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai rất cao, và thường là thiếu máu mức độ nặng, trong đó thiếu máu do thiếu sắt chiếm đa số, theo thống kê của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã cho biết tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ tại Việt Nam trong năm 2002 là 45 – 47%. Mặc dù từ những năm 1995 đã thực hiện chương trình bổ sung viên sắt trong thai kì trên toàn lãnh thổ, tuy nhiên theo thống kê của Viện dinh dưỡng năm 2008, tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt ở phụ nữ mang thai vẫn còn cao, chiếm 31,4%, tập trung các vùng núi phía Bắc, phía Tây Bắc và vùng Bắc ven biển Miền Trung nơi có tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ mang thai ở mức nặng (lần lượt là 45,7% và 44,1%) và thấp nhất là khu vực Đông Nam Bộ (24%). Tại Thành phố Hồ Chí Minh trong nghiên cứu năm 2000 được tiến hành trên 2084 thai phụ cho biết tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai khoảng 38%. Gần đây là các báo cáo tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt tại tỉnh Bạc Liêu và Mỹ Tho – Tiền Giang lần lượt là 23,75% (2010) và 17,36% (2011).

Bình Thuận là một tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ Việt Nam, với khí hậu nhiều nắng, nhiều gió, nằm trong vùng khô cằn nhất cả nước, dân cư tỉnh phân bố không đồng đều giữa các huyện, thị xã, thành phố đã tạo nên sự phân hóa rõ rệt về kinh tế trong vùng, từ đó phân hóa chế độ ăn uống dinh dưỡng khác nhau ở các tầng lớp dân cư khác nhau cũng như sự đa dạng về các dân tộc trong tỉnh. Tuy đã có chương trình bổ sung viên sắt trong thai kì theo khuyến nghị của Bộ Y Tế, nhưng không phải thai phụ nào cũng có điều kiện thực hiện. Cho tới nay, tại Bình Thuận vẫn chưa có nghiên cứu về vấn đề thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ. Vì vậy, nghiên cứu tiến hành  nhằm xác định tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt ở thai phụ 3 tháng đầu thai kì đến khám ở Bệnh viện Đa Khoa Bình Thuận.

Nghiên cứu áp dụng phương pháp cắt ngang kết hợp giả thực nghiệm được thực hiện từ tháng 10/2017 đến tháng 03/2018. Đối tượng nghiên cứu là tất cả phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đến khám thai tại khoa sản bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ được định nghĩa là nồng độ Hemoglobin máu < 11g/dl và Ferritin huyết thanh < 12 ng/ml. Sau khi tư vấn, sản phụ đồng thuận được hướng dẫn đến phòng xét nghiệm lấy máu làm huyết đồ và định lượng Ferritin. Thông tin khác được thu thập qua phỏng vấn trực tiếp thai phụ bằng bảng câu hỏi soạn sẵn.

Qua thời gian thực hiện,  nghiên cứu đã khảo sát 388 mẫu, tỉ lệ thiếu máu thiếu sắt là 24%. Các yếu tố liên quan đến thiếu máu thiếu sắt có ý nghĩa thống kê như: Nhóm lao động chân tay (PR=2,72), nhóm có tiền căn mắc bệnh tiêu hóa (PR=1,9), nhóm có hai con (PR=2,45). Sau một tháng điều trị 48,4% trường hợp đạt Hb ≥ 11g/dl. Từ kết quả nghiên cứu, cho thấy nên đưa xét nghiệm Hemoglobin và định lượng Ferritin thường qui cho thai phụ mang thai 3 tháng đầu để tầm soát thiếu máu thiếu sắt. Phát hiện và điều trị sớm nhằm giảm nguy cơ cho thai phụ và thai nhi.

Vân Anh

Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh (Phụ bản tập 23 - Số 2- 2019)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài