SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả chọn tạo và khảo nghiệm giống lúa DT88

[21/05/2020 08:47]

Nghiên cứu do các tác giả Võ Thị Minh Tuyển, Nguyễn Thị Huê, Đoàn Văn Sơn, Phạm Xuân Hội – Viện Di truyền Nông nghiệp thực hiện.

Chọn tạo các giống lúa mang gen kháng bạc lá đang là một việc cần thiết và hữu hiệu nhất để phòng trừ và giảm bớt thiệt hại do bệnh này gây ra. Sử dụng các gen kháng vừa có giá trị kinh tế vừa có ảnh hưởng lớn đến việc kiểm soát dịch bệnh.

Các nhà khoa học đã xác định được 41 gen điều khiển tính kháng bệnh bạc lá ở lúa (Kim SM et al., 2015), (Hutin. M et al.,). Xa5, Xa7, Xa21 là các gen kháng hữu hiệu có thể kháng được với nhiều chủng bạc lá khác nhau trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay, điều này chính là cơ sở khoa học và là nền tảng cho công tác chọn tạo các giống lúa mới kháng bệnh. Phương pháp chọn giống bằng chỉ thị phân tử (MAS) đang được rất nhiều nước trên thế giới quan tâm. Các giống lúa kháng bệnh mang một hay nhiều gen kháng đã được chọn theo phương pháp này một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu quy tụ nhiều gen kháng hữu hiệu vào cùng một giống lúa thì khả năng kháng sẽ cao và phổ kháng sẽ rộng hơn (Bùi Trọng Thủy và cs, 2009; Zhang và Xu, 2006).

Bệnh bạc lá là một trong những bệnh hại nguy hiểm nhất đối với cây lúa. Để tạo được các giống có tính kháng bền vững rất cần thiết phải đưa một số gen kháng bệnh bạc lá hiệu quả vào gen đích. Trong nghiên cứu này, chỉ thị phân tử và lây nhiễm nhân tạo với vi khuẩn gây bệnh được sử dụng để đánh giá khả năng kháng bệnh bạc lá của các dòng/giống lúa.

Vật liệu dùng trong nghiên cứu là giống lúa chất lượng Hoa Sữa nhập nội từ Mỹ; Dòng IRBB63 mang 3 gen kháng bệnh bạc lá xa5, Xa7, xa13; giống Bắc thơm số 7 (BT7), Hương thơm số 1 (HT1) làm giống đối chứng; các chỉ thị phân tử liên kết gen kháng bệnh lá xa5, Xa7; sử dụng chủng vi khuẩn của Bộ môn Bệnh học phân tử được phân lập năm 2015 là NĐ4.1 (chủng có độc tính mạnh nhất). Địa điểm thu mẫu tại Nam Định, giống lấy mẫu là Bắc Thơm 7. Nghiên cứu sử dụng lai hữu tính, chọn cá thể và sử dụng chỉ thị phân tử liên kết gen để chọn cá thể mang gen kháng bệnh bạc lá; sử dụng phương pháp lây nhiễm nhân tạo bệnh bạc lá (JICA, 2003) và phương pháp cắt kéo. Giai đoạn lây nhiễm là lúc lúa làm đòng – trổ.

Qua thời gian nghiên cứu, kết quả cho thấy giống lúa triển vọng DT88 mang 2 gen kháng: xa5 và Xa7. Giống lúa mới đã thể hiện tính kháng cao với các chủng bạc lá lây nhiễm trên đồng ruộng và trong nhà lưới. Giống DT88 có thời gian sinh trưởng ngắn (105-110 ngày), chiều cao cây trung bình, khả năng thích ứng rộng, chất lượng gạo khá, cơm ngon, dẻo, năng suất đạt 6,0-6,5 tấn/ha, cao hơn Bắc thơm 7. Giống DT88 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống lúa mới và cho phép sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc năm 2019.

Vân Anh

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Kỳ 21- Tháng 11/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài