SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Cần Thơ

[08/06/2020 15:07]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Võ Thành Danh, Trương Thị Thúy Hằng và Ong Quốc Cường - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm mục tiêu (i) nhận dạng và đánh giá những yếu tố tác động đến hiện trạng ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Cần Thơ, và (ii) phân tích các yếu tố đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm đề xuất các hàm ý chính sách phát triển ngành này trong thời gian tới.

Trong những năm gần đây, công nghiệp Thành phố Cần Thơ (TPCT) có tốc độ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chủ yếu là dựa vào chế biến nông, thủy sản. Cùng với công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là cần thiết đối với nền kinh tế khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. CNHT là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính. Sản phẩm CNHT thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trong chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm hàng hóa dịch vụ, có ba công đoạn chủ yếu: (1) công đoạn nghiên cứu, thiết kế, sản xuất linh kiện phụ kiện, chi tiết sản phẩm, (2) công đoạn sản xuất bao gồm gia công, lắp ráp tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh, và (3) công đoạn phân phối, tổ chức bán hàng. Trong ba công đoạn nói trên, công đoạn 2 tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất nhưng Việt Nam chủ yếu làm ở công đoạn 2. Sự yếu kém phát triển CNHT đã làm cho nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu và đây là nguyên nhân của nhập siêu mấy thập kỷ qua của Việt Nam. Vai trò, vị trí và sức hút đầu tư của TPCT hầu như chưa được các nhà đầu tư quan tâm, chú ý. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là sự thiếu vắng của CNHT. Máy móc thiết bị, kể cả máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, linh kiện phụ trợ, … phụ thuộc nhập khẩu và mua từ Thành phố Hồ Chí Minh. Trong phát triển công nghiệp, các ngành CNHT thường được ví như chân núi, tạo phần cứng để hình thành nên thân núi và đỉnh núi chính là ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp sản phẩm công nghiệp. Như vậy, CNHT có vai trò nổi bật đối với các ngành công nghiệp cũng như đối với nền kinh tế như: bảo đảm tính chủ động cho nền kinh tế, hạn chế nhập siêu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính, phát triển hệ thống DNNVV, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp, mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tích tụ công nghiệp và lợi thế cạnh tranh quốc gia, phát triển của các cụm liên kết ngành. Các công ty nước ngoài khi đến Việt Nam thường mong muốn mở rộng và phát triển khả năng cung ứng các mặt hàng nguyên vật liệu, linh kiện phụ tùng, … liên quan đến ngành hàng hay sản phẩm mà họ đầu tư vào. Do đó, việc phát triển ngành CNHT trở thành một vấn đề cấp thiết. Xuất phát từ tính cấp thiết trên, bài viết xác định và đề xuất giải pháp phát triển CNHT cho các ngành công nghiệp chủ lực của TPCT là cần thiết, phục vụ cho phát triển công nghiệp của Thành phố và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích định tính để đánh giá thực trạng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Cần Thơ. Sử dụng cách tiếp cận theo lý thuyết cụm công nghiệp - được phát triển bởi Porter (2000). Đồng thời, cách tiếp cận chuỗi cung ứng trong chuỗi giá trị được lồng vào khung lý thuyết của lý thuyết cụm công nghiệp và lý thuyết hệ sinh thái kinh doanh để nhận dạng và phát triển các ngành CNHT của TPCT.

Kết quả khảo sát 326 doanh nghiệp thuộc 12 ngành công nghiệp chủ yếu của Thành phố Cần Thơ về nhu cầu và năng lực cung ứng các sản phẩm hỗ trợ tại chỗ cho thấy rằng ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Cần Thơ chưa phát triển nhiều. Những thuận lợi và khó khăn trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Thành phố Cần Thơ cũng được phân tích dựa theo Mô hình Kim cương của Michael Porter bao gồm các điều kiện về nhân tố đầu vào, các điều kiện về cầu, các ngành công nghiệp liên quan và môi trường kinh doanh. Trên cơ sở kết quả phân tích, bài viết đã đề xuất các hàm ý chính sách và một số giải pháp nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố Cần Thơ.

Để phát triển ngành CNHT, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy hoạch, kế hoạch, và chương trình phát triển CNHT bao gồm: tạo dựng môi trường đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, liên kết doanh nghiệp, đặc biệt đối với 5 ngành công nghiệp ưu tiên: Điện tử tin học, Dệt may, Da giày, Sản xuất và lắp ráp ô tô, và Cơ khí chế tạo. Đặc biệt, Theo Quyết định 68/QĐ-TTg năm 2017, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025 với mục tiêu là sản xuất các sản phẩm CNHT phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Đến năm 2020, sản phẩm CNHT được kỳ vọng đáp ứng được khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa, đến năm 2025, sản phẩm CNHT đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa.

Nhiều bài học trong nước và quốc tế cho thấy vai trò của CNHT trong phát triển các ngành công nghiệp. Việc thiếu cơ chế, chính sách, các định chế trung gian hỗ trợ doanh nghiệp phát triển CNHT, hạ tầng cung ứng SPHT, máy móc, công nghệ lạc hậu, thiếu nhân lực công nghệ cao, và thiếu sự hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp CNHT với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và giữa các nhà sản xuất CNHT là những nguyên nhân chính yếu làm cho ngành CNHT chưa phát triển mạnh.

Tại TPCT, ngành CNHT chưa phát triển. Nhiều ngành công nghiệp chủ yếu của Thành phố thiếu sự đi kèm của các ngành CNHT có liên quan. Số doanh nghiệp tham gia CNHT rất ít. Việc phát triển các ngành CNHT sẽ góp phần quan trọng trong thu hút thêm đầu tư tư nhân và FDI cũng như phát triển DNNVV tại Cần Thơ. Phát triển CNHT của Thành phố là phù hợp và phát huy vai trò, vị trí kinh tế, khoa học công nghệ của TPCT ở ĐBSCL.

Kết quả nghiên cứu cho thấy nhu cầu về SPHT nhiều, đa dạng, và xuất hiện hầu như ở nhiều ngành công nghiệp ưu tiên của Thành phố. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển ngành CNHT ở Cần Thơ là lớn. Hầu hết các doanh nghiệp đánh giá mức độ dễ tìm, khả năng đáp ứng về số lượng, chất lượng, giá cả, yêu cầu công nghệ của các nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, thành phẩm, bán thành phẩm là cao. Tuy nhiên, nhiều loại nguyên phụ liệu, thành phẩm, bán thành phẩm thường được cung cấp từ bên ngoài hay nhập khẩu. Nguồn cung cấp tại chỗ bị hạn chế. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy vai trò của CNHT so với các yếu tố khác, thông qua cách đánh giá của doanh nghiệp, đối với dự tính mở rộng kinh doanh và đầu tư là không cao. Kết quả đánh giá cũng tương tự đối với vai trò của chính sách, thể chế.

Lttsuong

Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài