SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập và tuyển chọn các chủng xạ khuẩn có khả năng sinh enzyme ngoại bào, đối kháng vibrio spp.

[23/08/2021 14:05]

Ngày nay, biện pháp phòng trị sinh học đã được chú trọng do có nhiều ưu điểm là không ô nhiễm môi trường và quan trọng là tạo ra nguồn lương thực an toàn cho con người. Các vi sinh vật đối kháng được sử dụng như là yếu tố hiệu quả để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm thông qua các cơ chế loại trừ cạnh tranh như cạnh tranh chất dinh dưỡng, tạo kháng sinh, tiết enzyme ngoại bào.

Ảnh minh họa

Trong số các hợp chất tự nhiên có nguồn gốc từ vi sinh vật sinh đã được công bố sử dụng trên thế giới thì 45% được sinh ra từ xạ khuẩn, 38% từ nấm và 17% từ vi khuẩn. Trong quá trình sống, xạ khuẩn tiết ra nhiều chất có hoạt tính sinh học cao có khả năng kháng lại các loài vi sinh vật khác nhau bao gồm cả nấm và vi khuẩn. Chính vì vậy, xạ khuẩn là một trong những nguồn sản xuất các chất có hoạt tính sinh học đầy tiềm năng. Một vấn đề còn tồn tại song song với vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm trên thủy sản Vibrio sp., đó chính là hàm lượng hữu cơ trong ao nuôi tôm thường rất lớn. Nguồn ô nhiễm này thường xuyên phát sinh và xuất phát từ chất thải của tôm, cá và đặc biệt là từ thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi. Ngoài Vibrio sp., nguồn ô nhiễm này cũng gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến tỉ lệ sống và quá trình phát triển của tôm. Vì vậy, với hai vấn đề còn tồn tại nêu trên, tác giả Tô Đình Phúc (Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Liên Hiệp Phát) và các tác giả khác đã thực hiện nghiên cứu này với mong muốn phát hiện, xác định được những chủng xạ khuẩn có khả năng sinh enzyme ngoại bào và có hoạt tính kháng vi khuẩn Vibrio spp. nhằm mục đích xử lí ô nhiễm ao nuôi và phòng ngừa hoặc giảm thiểu khả năng nhiễm bệnh của vật nuôi thủy sản. Từ đó, sử dụng các chủng xạ khuẩn có các chức năng hữu ích này để phục vụ nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng.

Nghiên cứu được tiến hành tại các ao nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tất cả 26 chủng xạ khuẩn được phân lập, trong đó 5 chủng TM1, TM2, TM7, TM21 và TM22 được xác định đều là các chủng đa chức năng. Cả 5 chủng này đều có khả năng sản sinh tốt cả 3 loại enzyme protease, amylase và cellulase. Đặc biệt, 3 chủng TM1, TM2 và TM21 còn có khả năng đối kháng với Vibrio spp.. Phân tích kết quả giải trình tự gen 16S rRNA cho thấy cả 3 chủng TM1, TM2, TM21 đều thuộc loài Streptomyces hygroscopicus. Hai chủng TM7 và TM22 được xác định lần lượt là Streptomyces diastaticus và Streptomyces spiralis.

Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM Tập 18, Số 6 (2021): 1016-1027.

pcmy

Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM (pcmy)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài