SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính ức chế vi khuẩn propionibacterium acnes gây mụn trứng cá của địa y usnea undulata stirton (parmeliaceae)

[09/09/2021 10:29]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Trâm, Từ Vũ Hảo, Bùi Trọng Hiếu, Liêu Hoàng Phú, Tạ Kiến Tường, Nguyễn Thị Ngọc Vân, Trần Thị Như Lê - Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Nguyễn Thị Ngọc Hương - Trường Đại học Sài Gòn thực hiện.

Ảnh minh họa

Việt Nam có nguồn địa y phong phú, đa dạng tuy nhiên chưa được quan tâm nghiên cứu đúng mức, đặt biệt là hướng sàng lọc các hoạt chất có khả năng ức chế vi khuẩn gây mụn trứng cá Propionibacterium acnes.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá hoạt tính kháng vi khuẩn P. acnes của các cao chiết từ địa y Usnea undulata. Phân lập và xác định cấu trúc của một số hợp chất từ cao chiết có hoạt tính.

Địa y U. undulata được thu hái tại tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Vi khuẩn P. acnes được phân lập từ mụn trứng cá của bệnh nhân. Các cao chiết được điều chế bằng phương pháp ngâm dầm có hỗ trợ sóng siêu âm. Hoạt tính kháng vi khuẩn được xác định bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch và pha loãng vi mô trên đĩa 96 giếng để xác định nồng độ ức chế tối thiểu MIC. Sử dụng các phương pháp sắc ký lớp mỏng, sắc ký cột, kết tinh lại để phân lập hợp chất tinh khiết. Cấu trúc của các hợp chất được xác định bằng các phương pháp phổ nghiệm hiện đại như khối phổ MS, phổ cộng hưởng từ hạt nhân NMR.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cao hexane và acetone ức chế tốt vi khuẩn P. acnes với giá trị MIC là 125μg/mL trong khi cao methanol không có vòng ức chế ở nồng độ 1000 μg/mL. Từ cao hexane và acetone phân lập được bốn hợp chất gồm acid haemathamnolic (1), 7-hydroxyl-5-methoxy-6- methylphtalid (2), methyl orsellinat (3) và (+)–(12R)– acid usnic (4). Trong đó hợp chất (1) lần đầu được phân lập từ địa y U. undulata. Nghiên cứu bước đầu đánh dấu khả năng ức chế P. acnes gây mụn trứng cá ở người của địa y U.undulata thu hái tại Việt Nam, hứa hẹn khả năng ứng dụng địa y trong các mỹ phẩm trị mụn.

ctngoc

Tạp chí Y dược Cần Thơ, số 36/2021
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài